Mỹ chi số tiền 'khủng' để phát triển năng lượng sạch

Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) ngày 4/4 thông báo trao khoản tài trợ trị giá 20 tỷ USD cho 8 ngân hàng phát triển cộng đồng và tổ chức phi lợi nhuận để sử dụng cho các dự án chống biến đổi khí hậu ở các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn, cũng như giúp người dân tiết kiệm và giảm lượng khí thải carbon.

Chú thích ảnh
Nhà máy điện mặt trời ở bang Maryland, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo EPA, 8 tổ chức trên đã cam kết thực hiện các dự án về giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính, với lượng khí thải được cắt giảm tương đương 40 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Những tổ chức này sẽ cùng nhau hỗ trợ cho các dự án về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch, đặc biệt là trong các cộng đồng có thu nhập thấp và chịu thiệt thòi. EPA cho biết hiện những tổ chức được tài trợ dự định cam kết hỗ trợ hơn 14 tỷ USD cho các cộng đồng có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn, trong đó hơn 4 tỷ USD dành cho các cộng đồng nông thôn và gần 1,5 tỷ USD hỗ trợ các bộ lạc.

Khoản tài trợ trên được huy động dựa trên 2 sáng kiến của Quỹ Giảm Khí thải nhà kính (GGRF), một ngân quỹ được thành lập theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành hồi năm 2022. IRA đã chuyển hàng tỷ USD vào các dự án năng lượng tái tạo, giúp thúc đẩy sự bùng nổ sản xuất và tạo ra hàng chục nghìn việc làm trên khắp nước Mỹ.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nêu rõ những tổ chức nhận được khoản tài trợ trên sẽ giúp đảm bảo rằng các gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và những người đứng đầu cộng đồng có quyền tiếp cận nguồn vốn mà họ cần để hiện thực hóa các dự án về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch trong khu vực của họ.

Đây là một trong những khoản đầu tư chống biến đổi khí hậu lớn nhất cho đến nay được chính quyền của Tổng thống Biden công bố. Số tiền này có thể tài trợ cho hàng chục nghìn dự án đủ điều kiện, từ lắp đặt máy bơm nhiệt dân dụng và các cải tiến nhà ở tiết kiệm năng lượng cho đến các dự án quy mô lớn hơn như xây dựng trạm sạc xe điện và trung tâm làm mát cộng đồng.

Cuối tháng 3/2024, Mỹ đã cập nhật các quy định mà nước này cho rằng sẽ giảm sự lãng phí khí đốt tự nhiên. Cục Quản lý đất đai Mỹ (BLM) cho biết, việc điều chỉnh các quy định có từ hơn 40 năm qua sẽ buộc các công ty dầu khí phải chịu trách nhiệm tránh các hoạt động lãng phí nhiên liệu. Khí tự nhiên chủ yếu bao gồm khí methane, nguyên nhân gây ra khoảng 1/3 hiện tượng ấm lên của Trái Đất do khí nhà kính.

BLM cho biết trong một thông cáo báo chí, theo các quy định, các công ty dầu khí sẽ phải chịu trách nhiệm tránh các hoạt động lãng phí và giảm rò rỉ khí đốt tự nhiên, đồng thời lưu ý rằng việc tiết kiệm khí đốt sẽ cung cấp thêm năng lượng cho các gia đình và ngành công nghiệp của Mỹ.

BLM cho biết các hoạt động giải phóng hoặc đốt khí tự nhiên dư thừa đã tăng hơn gấp đôi kể từ những năm 1980 cùng với sự gia tăng sản xuất năng lượng. Cơ quan này nói thêm rằng, từ năm 2010 đến năm 2020, tổng lượng khí tự nhiên bị lãng phí được báo cáo trên toàn nước Mỹ đủ phục vụ nhu cầu của hơn 675.000 ngôi nhà.

Giám đốc BLM, Tracy Stone-Manning, cho biết: “Quy tắc này thể hiện một giải pháp hợp lý, công bằng và hợp lý để ngăn chặn tình trạng lãng phí, mang lại một sân chơi bình đẳng cho tất cả các cộng đồng sản xuất năng lượng”.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) mới đây công bố số liệu cho thấy sản lượng dầu và khí đốt của Mỹ đang tiếp tục tăng lên trong khi giá giảm từ các mức rất cao ghi nhận vào giữa năm 2022, sau khi xung đột tại Ukraine (U-crai-na) nổ ra, khiến lượng dầu và khí dự trữ tăng lên.

Về phía dầu, tổng sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ đã tăng từ 376 triệu thùng tháng 12/2022 lên 413 triệu thùng vào tháng 12 năm ngoái tức 13,3 triệu thùng/ngày, tăng 1,2 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước đó. Tính chung cả năm 2023, sản lượng tăng từ 4,347 tỷ thùng năm 2022 lên 4,721 tỷ thùng, gấp đôi năm 2012.

Trong khi đó, giá dầu thô của Mỹ trung bình ở mức 72 USD/thùng trong tháng 12/2023, giảm từ mức cao gần đây là 121 USD/thùng vào tháng 6/2022.

Số giàn khoan đang hoạt động trung bình là 501 giàn trong tháng 12/2023, giảm từ mức 623 vào tháng 12/2022, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Nhưng lại không có sự sụt giảm tương ứng nào trong sản lượng dầu, vì các giàn khoan đã được nâng cao hiệu suất bằng cách chỉ tập trung vào các địa điểm hứa hẹn. Trong ngắn hạn, ngành dầu của Mỹ đã có thể gia tăng sản lượng ở mức gia thấp hơn và ít giàn khoan hơn.

Còn với khí đốt, sản lượng khí khô đã tăng lên mức cao kỷ lục theo mùa là 3.300 tỷ foot khối (bcf) trong tháng 12/2023, từ mức 3.107 bcf một năm trước đó. Tính chung cả năm nay, sản lượng khí đốt đã chạm mức cao kỷ lục 37.883 bcf, tăng từ mức 36,353 bcf vào năm 2022, và đã tăng gấp đôi kể từ năm 2006 (1 foot khối = 0,0283 m3). 

Theo số liệu của công ty phân tích Enverus, các vụ thâu tóm đình đám của các tập đoàn dầu khí đã đưa giá trị các thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng tại Mỹ năm 2023 lên mức kỷ lục 192 tỷ USD, gấp hơn ba lần so với năm 2022.

Các vụ thâu tóm tại lòng chảo dầu đá phiến Permian nằm ở Tây Texas và New Mexico, mỏ dầu lớn nhất của Mỹ, tăng mạnh trong hai năm qua, khi giá dầu cao do nhu cầu mạnh sau xung đột tại Ukraine và các nhà sản xuất tìm kiếm các giếng dầu để đảm bảo nguồn cung trong tương lai.

Minh Hằng (Theo AP)
Ấn Độ xây dựng nhà máy năng lượng sạch lớn nhất thế giới
Ấn Độ xây dựng nhà máy năng lượng sạch lớn nhất thế giới

Công ty Adani Green Energy Limited (AGEL) – thuộc tập đoàn nhập khẩu và khai thác than lớn nhất Ấn Độ Adani, đang triển khai dự án xây dựng công viên năng lượng tái tạo Khavda với kinh phí khoảng 20 tỷ USD ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN