Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong một phát biểu, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki coi động thái của Ethiopia là "hành động chưa từng có tiền lệ nhằm trục xuất ban lãnh đạo của tất cả các tổ chức LHQ liên quan đến các hoạt động nhân đạo đang diễn ra". Ngoài ra, bà Jen Psaki cũng cho biết Mỹ "sẽ không ngần ngại" áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với "những người cản trở hoạt động hỗ trợ nhân đạo".
Phát biểu trên được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Ethiopia cho biết 7 quan chức LHQ, bao gồm Phó Điều phối viên Nhân đạo của LHQ Grant Leaity và đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) Adele Khodr, đã bị coi là “những người không được chào đón” vì "can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước". Việc trục xuất đã làm dấy lên lo ngại đối với các hoạt động nhân đạo ở Tigray, khu vực đã rơi vào xung đột kể từ tháng 11/2020.
Đầu tháng 9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại các bên tham chiến ở miền Bắc Ethiopia nếu họ không cam kết đạt một thỏa thuận thương lượng. Lệnh trên cho phép Bộ Tài chính xử phạt các chính phủ Ethiopia, Eritrea, Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) và các bên liên quan khác.
Trước đó, phản ứng trước tuyên bố của Ethiopia, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết ông bị “sốc” trước quyết định Ethiopia, quốc gia đang đối mặt với nguy cơ nạn đói ở khu vực Tigray đang bị xung đột tàn phá. Trong một tuyên bố, ông Guterres nói: “Tôi bị sốc trước thông tin Chính phủ Ethiopia tuyên bố 7 quan chức LHQ là những người không được hoan nghênh". Tổng Thư ký LHQ cho biết thêm ông hoàn toàn tin tưởng vào các nhân viên cứu trợ của LHQ ở Ethiopia và LHQ đang hợp tác với chính phủ nước này "với hy vọng các nhân viên LHQ có liên quan sẽ được phép tiếp tục công việc quan trọng của mình".