Mỹ cân nhắc bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của LHQ về Cuba

Ngày 21/9, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo nước này đang cân nhắc việc bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết hàng năm của Liên hợp quốc (LHQ) chỉ trích các biện pháp bao vây cấm vận Cuba.


Các thành viên Đại hội đồng LHQ trong một cuộc bỏ phiếu tại trụ sở LHQ ở New York. Ảnh: THX/TTXVN


Đây là bước đi được nhìn nhận là chưa từng có tiền lệ nhằm gia tăng áp lực đối với Quốc hội. Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của một số quan chức Nhà Trắng với báo giới cho biết mặc dù chưa có quyết định chính thức nhưng chính quyền của Tổng thống Obama đang cân nhắc việc bỏ phiếu trắng, theo đó cho phép Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ, trong phiên họp vào đầu tháng tới, thông qua nghị quyết hàng năm lên án lệnh phong tỏa kinh tế chống Cuba hơn nửa thế kỷ qua.

Nếu bỏ phiếu trắng, đây sẽ là lần đầu tiên chính quyền Washington không phản đối một nghị quyết của LHQ trực tiếp chỉ trích và yêu cầu chấm dứt lệnh cấm vận do chính nước Mỹ áp đặt chống Cuba cách đây 54 năm, đẩy Quốc hội nước này vào một cuộc đối đầu với chính quyền của Tổng thống Obama và phần còn lại của thế giới.

Theo các quan chức Nhà Trắng, việc chính quyền Obama có bỏ phiếu trắng hay không còn tùy thuộc vào nội dung và từ ngữ của bản nghị quyết của LHQ có khác so với các nghị quyết trước đây hay không.

Bước đi chưa từng có này của chính quyền Obama đã ngay lập tức gặp phải sự chống đối từ phía đảng Cộng hòa, những thế lực vốn không ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ với nước láng giềng Cuba.

Phát biểu với báo giới khi được hỏi về diễn biến này, Thượng nghị sỹ bang Florida, ông Marco Rubio, ứng cử viên tổng thống tiềm tàng của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2016, cho rằng bằng việc bỏ phiếu trắng, chính quyền Obama đặt ý muốn của quốc tế lên trên lợi ích quốc gia của nước Mỹ.

Cân nhắc việc bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của LHQ lên án lệnh phong tỏa kinh tế chống Cuba sẽ là bước đi mới nhất trong lộ trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ với Cuba, bắt đầu từ ngày 17/12/2014, dẫn tới việc hai nước đã chính thức mở Đại sứ quán tại thủ đô hai nước từ tháng 7/2015.

Mới nhất, ngày 18/9, Tổng thống Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã có cuộc điện đàm lần thứ ba kể từ tháng 12 năm ngoái, tại đó ông Obama thông báo tiếp tục nới lỏng các hạn chế về du lịch và kinh doanh đối với Cuba, lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ, các công dân Mỹ được phép sang Cuba như các nhà xuất khẩu nông phẩm, vật liệu xây dựng, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, các nhóm tôn giáo và giáo dục được phép mở tài khoản ngân hàng để thành lập văn phòng đại diện hay công ty liên doanh với doanh nghiệp Cuba.

Công dân Mỹ được phép giao dịch thương mại với những người Cuba sinh sống ở nước ngoài. Washington cũng bãi bỏ hạn mức tiền mặt mà du khách Mỹ được phép mang sang Cuba cũng như lượng kiều hối gửi về nước này. Ngoài ra, du khách Cuba khi tới Mỹ cũng được phép mở tài khoản ngân hàng.

Trong cuộc điện đàm, Chủ tịch Castro nhắc lại yêu cầu chấm dứt hoàn toàn lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt chống Cuba từ năm 1962. Tuy nhiên, cho tới nay các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ vẫn chưa có động thái nào, thậm chí vẫn còn những ý kiến phản đối.

TTXVN/Tin Tức
Giáo hoàng Francis kêu gọi Mỹ, Cuba kiên trì hòa giải
Giáo hoàng Francis kêu gọi Mỹ, Cuba kiên trì hòa giải

Trong ngày đầu tiên của chuyến thăm lịch sử tới Cuba và sau đó là Mỹ, Giáo hoàng Francis I đã hối thúc Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tiếp tục xây dựng con đường hòa giải mới được hình thành giữa hai quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN