Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản trước bất kỳ cuộc tấn công nào từ Triều Tiên

Ngày 18/8, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joe Dunford ngày 18/8 tái khẳng định cam kết của nước này bảo vệ đồng minh Nhật Bản trước bất kỳ vụ tấn công tên lửa nào có thể xảy ra từ Triều Tiên. Theo Tướng Joe Dunford, Washington xem mọi cuộc tấn công nhằm vào Nhật Bản giống như hành động tấn công vào nước Mỹ và ngược lại.

Trong cuộc gặp với Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản Katsutoshi Kawano tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản ở thủ đô Tokyo, Tướng Dunford khẳng định: "Chúng tôi đã thông báo rõ ràng với Triều Tiên và bất kỳ nước nào khác trong khu vực rằng việc tấn công một nước (Nhật Bản hoặc Mỹ) đồng nghĩa với việc tấn công cả hai nước". Ngoài ra, quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ và người đồng cấp nước chủ nhà Kawano đã nhất trí phối hợp để tăng cường các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford trong phiên điều trần tại Tiểu ban Quốc phòng Thượng viện Mỹ ở Washington, DC., ngày 22/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kế hoạch, Tướng Dunford sẽ có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ông Dunford đã thăm Hàn Quốc và Trung Quốc trước khi tới Nhật Bản - chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Á.

Cùng ngày, đề cập đến cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (Gim Ma-tít) và Ngoại trưởng Rex Tillerson khẳng định Mỹ sẵn sàng đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào từ Bình Nhưỡng. Theo các quan chức này, Washington đang tìm cách gây sức ép để Triều Tiên phải ngừng chương trình hạt nhân và ngồi vào bàn đàm phán.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, tân Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản William Hagerty đã diện kiến Thủ tướng Abe và cả hai bên đều bày tỏ thiện chí phối hợp tăng cường quan hệ đồng minh trước quan ngại gia tăng về Triều Tiên. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp "rất mang tính xây dựng", Đại sứ Hagerty cho biết: "Tôi nghĩ rằng Thủ tướng Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump có chung quan điểm. Chúng tôi sẽ phối hợp vô cùng chặt chẽ và sẽ xem xét kỹ lưỡng từng lựa chọn để kiềm chế Triều Tiên".

Liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều tiên, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov đã thảo luận qua điện thoại với người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel về cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Trước đó, Đức cam kết nỗ lực hết sức để có thể tháo ngòi nổ cho căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, Berlin sau đó đã hạ thấp khả năng Đức có thể làm trung gian hòa giải quan trọng giữa Bình Nhưỡng và Washington, sau khi nước này đăng cai cuộc đàm phán giữa hai bên cách đây một thập niên.

TTXVN/Tin Tức
Vấn đề Triều Tiên dậy sóng và mục đích bất ngờ ẩn chứa ở tầng sâu
Vấn đề Triều Tiên dậy sóng và mục đích bất ngờ ẩn chứa ở tầng sâu

Theo chuyên gia Nga, các nhà chính trị Mỹ không hi vọng gì vào việc Trung Quốc có thể thuyết phục được nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Vậy tại sao câu chuyện về tham vọng của Bình Nhưỡng lại được đề cập hàng tuần, hàng ngày, thậm chí là hàng giờ, nhất là sau khi quân đội nhân dân Triều Tiên lên kế hoạch tấn công Guam?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN