Mỹ ‘bật đèn xanh’ để hai quốc gia NATO cung cấp F-16 cho Ukraine

Đan Mạch và Hà Lan đã được Mỹ “bật đèn xanh” để cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu F-16.

Chú thích ảnh
Máy bay chiến đấu F-16 của không quân Đan Mạch. Ảnh: AFP

Phát biểu với Đài phát thanh Quốc gia ngày 18/8, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết ông và Bộ trưởng Quốc phòng Jakob Ellemann-Jensen đã nhận được một bức thư từ Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đồng ý cho Đan Mạch thực hiện một số lựa chọn trong hành động hỗ trợ Ukraine.

Khi được hỏi liệu Đan Mạch có gửi F-16 cho Ukraine hay không, ông Rasmussen giải thích rằng sự chấp thuận của Washington có nghĩa là "rào cản trong việc triển khai những việc như vậy không còn nữa" và Copenhagen đang thảo luận về các bước đi trong tương lai theo hướng này với các đồng minh.

Sự chấp thuận của Mỹ cũng đã được Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra xác nhận. Viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), ông Hoekstra cho biết Hà Lan "hoan nghênh quyết định của Washington trong việc mở đường cho việc gửi máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine".

Ngoại trưởng Hà Lan tuyên bố động thái này "đánh dấu một cột mốc quan trọng" đối với Kiev trong cuộc xung đột với Nga, đồng thời cho biết nước này sẽ thảo luận kỹ hơn về vấn đề này với các đối tác châu Âu.

Phát biểu trên được đưa ra sau khi hãng tin Reuters trích dẫn bức thư của ông Blinken nêu rõ hai quốc gia thành viên NATO có thể gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine ngay sau khi "nhóm phi công đầu tiên hoàn thành khóa đào tạo". Hiện tại, Đan Mạch có 43 chiếc F-16, khoảng 30 chiếc trong số đó có thể hoạt động, trong khi Hà Lan có 24 máy bay loại này.

Ukraine đã yêu cầu các nước phương Tây hỗ trợ máy bay chiến đấu F-16 trong nhiều tháng, cho rằng chúng sẽ giúp đối phó với ưu thế trên không của Nga. Hồi tháng 5, khi Kiev chưa nhận được máy bay chiến đấu hiện đại, Anh và Hà Lan đã công bố một "liên minh quốc tế" gồm 11 quốc gia để giúp Ukraine mua F-16 và đào tạo phi công của nước này.

Tuy nhiên, theo thông tin của các hãng truyền thông, những nỗ lực đào tạo phi công Ukraine đã bị cản trở bởi sự chậm trễ trong việc chuyển giao tài liệu hướng dẫn bay và các thiết bị mô phỏng, trong đó có cả vấn đề về ngôn ngữ. Trong bối cảnh đó, các quan chức Ukraine cho biết họ không mong đợi nhận được F-16 cho đến năm 2024.

Các yêu cầu của Ukraine đối với các máy bay chiến đấu cũng được đưa ra trong cuộc phản công sau những kết quả không mong muốn trong chiến dịch phản công vừa qua. Các quan chức Ukraine lý giải những tiến triển không như kỳ vọng một phần là do những lợi thế của Nga trên không.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên cung cấp cho Ukraine F-16. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng nhấn mạnh rằng việc cung cấp những chiếc máy bay này có thể khiến cuộc xung đột tiếp tục leo thang.

Hoài Nam/Báo Tin tức (Theo RT)
Kiev hối thúc F-16, phương Tây vẫn còn tranh cãi về huấn luyện phi công
Kiev hối thúc F-16, phương Tây vẫn còn tranh cãi về huấn luyện phi công

Đề ra những mốc thời gian đầy tham vọng về cung cấp chiến đấu cơ F-16, nhưng lúc này các đối tác phương Tây của Ukraine vẫn còn đang loay hoay hoàn thiện kế hoạch huấn luyện phi công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN