Đại tá Hải quân Kyle Raines, Phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, được hãng tin Reuters dẫn lời tuyên bố cáo buộc tàu ngầm của Mỹ đã đi vào bên trong lãnh hải Nga là không đúng sự thật, song sẽ không bình luật về vị trí của chiếc tàu ngầm.
Hải quân Mỹ khẳng định một trong những tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này không vi phạm lãnh hải Nga, giữa lúc căng thẳng địa chính trị leo thang giữa hai quốc gia.
Đại tá Kyle Raines cho biết thêm “Mỹ có quyền hoạt động trên không, trên biển và hành động an toàn trong các vùng biển quốc tế”.
Trước đó cùng ngày, truyền thông nhà nước Nga cho biết quân đội nước này đã phát hiện một tàu ngầm của Mỹ xuất hiện tại vùng biển gần Quần đảo Kurils, nơi Hải quân Nga đang tiến hành tập trận.
Hãng tin RT cho hay Bộ Quốc phòng Nga đã gửi một công hàm cho Tùy viên quân sự Mỹ sau vụ việc tàu ngầm Mỹ vi phạm các vùng lãnh hải nước này.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hành động mang tính gây hấn va vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của tàu ngầm Mỹ đã đe dọa tới an ninh của Nga, nhấn mạnh Washington cần tránh lặp lại những vụ việc tương tự trong tương lai. Bộ trên khẳng định Nga có quyền sử dụng mọi phương tiện để bảo vệ an ninh trong các vùng lãnh hải của mình.
Theo hãng tin Interfax, Nga đã phát hiện một tàu ngầm Mỹ vào lúc 10 giờ 40 phút (theo giờ Moskva) tại vùng biển gần một hòn đảo thuộc Quần đảo Kurils. Chiếc tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Virginia đã xâm nhập khu vực nơi Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga đang tiến hành cuộc tập trận theo kế hoạch.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng chức năng nước này đã liên lạc với tàu ngầm Mỹ bằng cả tiếng Nga và tiếng Anh, đồng thời kêu gọi tàu Mỹ nổi lên mặt nước ngay lập tức. Tuy nhiên, tàu ngầm Mỹ đã phớt lờ cảnh báo này.
Ngay sau đó, triển khai các biện pháp phù hợp với qui định bảo vệ biên giới dưới biển, thủy thủ đoàn của tàu khu trục nhỏ Marshall Shaposhnikov đã sử dụng “các biện pháp liên quan”. Tàu ngầm Mỹ đã nhanh chóng rời khỏi khu vực.
Tàu ngầm lớp Virginia, còn được gọi là lớp SSN-774, là loại tàu ngầm tấn công nhanh mang tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân, đang được biên chế trong Hải quân Mỹ. Tàu được trang bị tên lửa hành trình và chống hạm, cũng như ngư lôi Mark 48. Hải quân Mỹ tuyên bố họ sử dụng công nghệ mới nhất về "công nghệ tàng hình, thu thập thông tin tình báo và hệ thống vũ khí". Với chi phí chế tạo khoảng 3,5 tỷ USD mỗi chiếc, các tàu ngầm lớp Virginia thường được sử dụng để giám sát, trinh sát và thu thập thông tin tình báo.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Mỹ nói riêng, giữa Nga với các nước phương Tây nói chung, đang leo thang liên quan tới vấn đề an ninh châu Âu và việc phương Tây đồn đoán Moskva có kế hoạch tấn công quân sự Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/2 cũng đã có cuộc điện đàm trực tiếp kéo dài hơn một giờ đồng hồ để thảo luận về vấn đề liên quan tới Ukraine và những căng thẳng nảy sinh thời gian qua.
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông Putin và ông Biden kể từ tháng 12/2021, thời điểm căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang liên quan tới vấn đề an ninh của châu Âu và vấn đề Ukraine.
Theo đài Sputnik, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Biden đã cảnh báo rằng nếu Nga tấn công Ukraine, thì Mỹ và các đồng minh sẽ “cương quyết đáp trả và khiến Nga nhanh chóng phải trả giá đắt”.
Nhà Trắng công bố một đoạn ghi chép nội dung hội đàm cho hay: “Tổng thống Biden đã khẳng định rằng một cuộc xâm lược Ukraine của Nga khiến người dân đau khổ và làm xói mòn vị thế của Nga… Trong khi Mỹ can dự ngoại giao, phối hợp với các đồng minh và đối tác, chúng tôi cũng sẵn sàng cho các kịch bản khác”. Nhà Trắng từ chối tiết lộ "kế hoạch khác" là gì.
Trong khi đó theo Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov, tại cuộc điện đàm trên, Tổng thống Putin một lần nữa phàn nàn về việc phương Tây đang trang bị vũ khí cho Ukraine và chính quyền Kiev đã “phá hoại” các thỏa thuận hòa bình do phương Tây làm trung gian nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều năm ở miền Đông Ukraine.
Trợ lý Tổng thống Nga cũng cho rằng cuộc điện đàm kéo dài khoảng một giờ giữa hai nhà lãnh đạo là “cân bằng và giống như trong kinh doanh”, đồng thời xác nhận “hai Tổng thống đã nhất trí tiếp tục những cuộc tiếp xúc ở tất cả các cấp”. Lãnh đạo hai nước đã nhất trí tiếp tục đối thoại trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm các vấn đề mà Tổng thống Mỹ đã nêu lên trong cuộc điện đàm và cả những vấn đề mà Nga rất quan tâm, vốn đã được đưa ra trong 2 văn bản dự thảo về đảm bảo an ninh mà Moskva cho Washington.
Nga nhiều lần khẳng định nước này không hề có kế hoạch tấn công bất kỳ quốc gia nào, đồng thời nhấn mạnh việc phương Tây hết lần này lần khác thổi phòng cái gọi là “mối đe dọa từ Nga” sẽ chỉ gây phương hại cho các nỗ lực ngoại giao nhằm tránh đẩy căng thẳng leo thang.