Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo lệnh trừng phạt mới với Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran cũng như người đứng đầu cơ quan này. Đây được xem là động thái có thể tác động tới chương trình phát triển năng lượng hạt nhân dân sự của Iran.
Tuy nhiên, Mỹ cũng gia hạn 60 ngày đối với việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nhằm thúc đẩy tiến trình giám sát hoạt động phi hạt nhân hóa tại Iran.
Quyết định này sẽ cho phép các công ty châu Âu, Nga và Trung Quốc tiếp tục các dự án tại một số cơ sở hạt nhân quan trọng của Iran. Một số nguồn tin ngoại giao cho biết Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ đã bất đồng về quyết định gia hạn này.
Cùng ngày, hãng thông tấn Fars của Iran dẫn lời người phát ngôn Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi khẳng định Tehran sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân của nước này bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, ông Kamalvandi cho rằng việc Mỹ đưa các cá nhân Iran vào danh sách trừng phạt, trong đó có người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi là một "trò chính trị". Điều này là hoàn toàn vô nghĩa và phản ánh sự thất bại của Washington. Nước Cộng hòa Hồi giáo vẫn sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân mình.
Hạ viện Mỹ thông qua hai dự luật ngăn chặn hành động quân sự chống Iran
Ngày 30/1, Hạ viện Mỹ đã thông qua hai dự luật nhằm chặn hành động quân sự của Tổng thống Donald Trump nhằm vào Iran. Đây là nỗ lực mới nhất của các nghị sĩ đảng Dân chủ nhằm tái khẳng định thẩm quyền của Quốc hội trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran sau cuộc không kích của Mỹ vào sân bay quốc tế tại Iraq khiến 1 tướng cấp cao Iran thiệt mạng.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Mỹ, dự luật đầu tiên của Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Ro Khanna, bang California được thông qua với tỉ lệ 228 phiếu thuận và 175 phiếu chống, sẽ ngăn chặn việc sử dụng các quỹ cho các cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran hoặc ở Iran mà không được phép của Quốc hội.
Trong khi đó, dự luật thứ 2 do Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Barbara Lee, bang California, đề cử đã được thông qua với 236 phiếu thuận và 166 phiếu, chống bãi bỏ quyết định ủy quyền năm 2002 về việc sử dụng lực lượng quân sự ở Iraq.
Trước khi được gửi tới Nhà Trắng, hai dự luật trên cần được được Thượng viện thông qua, tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra. Nhà Trắng hiện đã lên tiếng đe dọa phủ quyết cả hai dự luật trên trong trường hợp được Thượng viện thông qua.
Hôm 9/1, Hạ viện Mỹ cũng bỏ phiếu thông qua một nghị quyết ngăn chặn hành động quân sự trong tương lai của Tổng thống Donald Trump nhằm vào Iran với tỷ lệ 224 phiếu thuận và 194 phiếu chống. Nghị quyết không có giá trị ràng buộc này được phe Dân chủ đưa ra sau khi ông Trump ra lệnh tiến hành vụ không kích nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad của Iraq hôm 3/1 khiến Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiệt mạng và kéo theo vụ tấn công trả đũa bằng tên lửa của Tehran khiến căng thẳng đột ngột leo thang, dấy lên những quan ngại về một cuộc chiến tranh.