Truyền thông Mỹ đưa tin Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các đòn trừng phạt mới nhằm vào 5 thực thể, hai tàu biển và một cá nhân của Iran.
Phát biểu trước báo giới cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận 3 trong số các thực thể bị trừng phạt là các công ty vận tải, trong đó có Hãng hàng không lớn nhất của Iran là Mahan Air, liên quan tới vai trò đáng ngờ của chúng đối với việc phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Theo cáo buộc của Washington, các hãng vận chuyển trên đã đưa vũ khí hủy diệt hàng loạt tới Yemen.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington sẽ tiếp tục chính sách trừng phạt nhằm gây sức ép tối đa đối với Tehran.
Lệnh trừng phạt mới được công bố chưa đầy 1 ngày sau khi Bộ Ngoại giao Iran ban bố cảnh báo về đi lại, trong đó hối thúc công dân nước này không tới thăm Mỹ, với lý do Mỹ áp dụng chính sách “tàn bạo và một chiều đối với người Iran”.
Trước đó, trong bài phát biểu được phát trực tiếp trên kênh truyền hình nhà nước ngày 4/12, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nói: "Nếu họ (Mỹ) sẵn sàng gạt sang một bên các lệnh trừng phạt thì chúng tôi sẵn sàng đàm phán và thương lượng, kể cả ở cấp lãnh đạo Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức)".
Lâu nay, Tổng thống Rouhani đã đề nghị Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, đổi lại Iran sẽ quay trở lại đàm phán dưới sự bảo trợ của Nhóm P5+1, vốn đạt được thỏa thuận hạt nhân hồi năm 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
12 tháng kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi JCPOA, Iran bắt đầu giảm bớt các cam kết đối với thỏa thuận trên do các bên khác không tuân thủ thỏa thuận. Trong quyết định mới nhất cuối tháng 11, Iran tuyên bố nối lại hoạt động làm giàu urani tại cơ sở Fordow ở miền Nam khi bắt đầu bơm khí urani vào các máy ly tâm.
Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã rơi vào khủng hoảng từ tháng 5/2018 - thời điểm Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran với các cường quốc. Sau đó, Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia vùng Vịnh này nhằm ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, yêu cầu Iran đàm phán về một thỏa thuận mới. Tuy nhiên, Tehran kiên quyết lập trường chỉ đàm phán khi Washington tham gia trở lại JCPOA và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ, ngày 8/12, Tổng thống Rouhani đã trình dự thảo ngân sách tài khóa 2020 lên Quốc hội, đồng thời chỉ rõ ngân sách này được soạn thảo để đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ bằng cách hạn chế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.
Dự thảo ngân sách tài khóa 2020 (bắt đầu từ ngày 20/3/2020) ước tính vào khoảng 4.845 tỷ rial (khoảng 36 tỷ USD theo tỉ giá thị trường tự do). Nhà lãnh đạo Iran cho biết dự thảo ngân sách này được đề ra là nhằm hỗ trợ người dân Iran vượt qua khó khăn.
Trong bài phát biểu, ông Rouhani cũng tuyên bố tăng 15% tiền lương của khu vực công trong bối cảnh nền kinh tế Iran đối mặt với nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Iran sẽ giảm 9,5% trong năm nay.