Theo Tổng giám đốc IUCN Grethel Aguilar, nghiên cứu đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong việc phối hợp bảo tồn rừng ngập mặn, vốn là môi trường sống rất quan trọng đối với hàng triệu cộng đồng dễ bị tổn thương và đa dạng sinh học.
Rừng ngập mặn, đặc trưng bởi sự phát triển của chúng trong nước biển hoặc nước lợ dọc theo bờ biển và sông có thủy triều, bao phủ khoảng 15% bờ biển của thế giới, với tổng diện tích lên tới khoảng 150.000 km2.
Nghiên cứu đánh giá 36 khu vực khác nhau cho thấy số liệu thống kê đáng báo động: 50% hệ sinh thái rừng ngập mặn trên thế giới đang bị tổn hại, ngoài ra 20% diện tích được phân loại là dễ bị tổn thương, có nguy cơ tuyệt chủng hoặc cực kỳ nguy cấp.
Rừng ngập mặn đang bị đe dọa đáng kể do biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và ô nhiễm. Theo đó, hơn 30% hệ sinh thái rừng ngập mặn được đánh giá đang gặp nguy hiểm, do biến đổi khí hậu khiến cho mực nước biển dâng cao. Theo IUCN, nếu không có sự can thiệp, 25% diện tích rừng ngập mặn toàn cầu dự kiến sẽ bị nhấn chìm trong vòng 50 năm tới, đặc biệt là tại các khu vực như Tây Bắc Đại Tây Dương, Bắc Ấn Độ Dương, Biển Đỏ, Biển Đông và Vịnh Aden.
Bà Angela Andrade, Chủ tịch Ủy ban quản lý hệ sinh thái của IUCN, đánh giá việc mất rừng ngập mặn sẽ là thảm họa đối với thiên nhiên và con người trên toàn cầu. Các hệ sinh thái này cung cấp các dịch vụ quan trọng như giảm thiểu rủi ro thiên tai ven biển, hỗ trợ nghề cá, đồng thời lưu trữ và cô lập carbon. Hiện nay, rừng ngập mặn lưu trữ gần 11 tỷ tấn carbon - gần gấp ba lần lượng carbon được lưu trữ bởi các khu rừng nhiệt đới có cùng diện tích. Tuy nhiên, nếu bị tổn hại, 1,8 tỷ tấn carbon được lưu trữ trong rừng ngập mặn có thể bị mất vào năm 2050.
Để giảm thiểu những mối đe dọa này, nghiên cứu nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các nỗ lực bảo tồn và chăm sóc rừng ngập mặn, giúp hệ sinh thái lành mạnh đối phó tốt hơn với mực nước biển dâng và bảo vệ các cộng đồng ven biển khỏi tác động của các cơn bão nghiêm trọng. Ngoài ra, IUCN cho biết việc khôi phục các khu vực rừng ngập mặn bị suy thoái và cho phép mở rộng tự nhiên vào đất liền có thể tăng cường khả năng phục hồi của chúng.
Nghiên cứu cũng nêu bật tỷ lệ mất rừng ngập mặn đáng báo động, với khoảng 5.000 km2 biến mất từ năm 1996 đến năm 2020. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của hành động ngay lập tức nhằm đảo ngược xu hướng này và bảo vệ các hệ sinh thái quý giá cho các thế hệ tương lai sau này.