Một lần thăm Vịnh Guantanamo, 'địa đầu Tổ quốc' của Cuba

Vịnh Guantanamo, vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Cuba và “vang danh” trên thế giới với căn cứ quân sự hải ngoại lâu đời nhất của Mỹ (bao gồm cả nhà tù tai tiếng giam giữ và tra tấn các nghi phạm khủng bố không qua xét xử), là địa danh mà những ai gắn bó ít nhiều với đảo quốc Caribe đầy nắng gió này đều muốn được một lần tận mắt chứng kiến, đặc biệt là với những nhà báo như chúng tôi, với tính tò mò như một yếu tố cần thiết cho công việc.

Mô hình căn cứ hải quân Gitmo trên sa bàn quân sự Cuba.

Nhưng thực hiện mong ước đó là điều không hề dễ dàng, và đối với đa số mọi người là bất khả thi, khi khu vịnh có vẻ đẹp của một danh thắng ấy đã được quân sự hóa và trở thành điểm đối mặt trực tiếp giữa hai quốc gia láng giềng có nhiều thập kỷ đối đầu: một siêu cường Mỹ biểu tượng của sức mạnh vật chất và một Cuba cách mạng tuy nhỏ bé nhưng kiêu hãnh và bất khuất. 

Chính vì vậy, tôi thực sự cảm thấy may mắn khi được thăm vùng “địa đầu Tổ quốc” này của Cuba trong một chuyến thăm hiếm hoi mà Cục Đối ngoại, Bộ Các lực lượng vũ trang Cuba phối hợp với Phòng Tùy viên Quốc phòng nước ta tại Cuba tổ chức cho đoàn cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, do Đại sứ Nguyễn Trung Thành dẫn đầu, tới thăm đơn vị bảo vệ biên giới trên đất liền duy nhất của “hòn đảo tự do” – đóng bao quanh Căn cứ hải quân Guantánamo (Gitmo).         

Một lịch sử nhiều thăng trầm         

Phần tiếp giáp giữa vịnh ngoài và vịnh trong của Guantánamo. Phía dưới ảnh là con đường bộ duy nhất chạy giữa giải phân cách giữa 2 khu quân sự với 2 bên đường là các bãi mìn do cả 2 bên cài.

Vịnh Guantánamo nằm tại tỉnh cực Đông cùng tên của Cuba, miền đất hầu như không có thế mạnh kinh tế nào đặc biệt, thường xuyên hứng chịu bão, thời tiết khắc nghiệt nhất nhì đất nước (dù nhìn chung thời tiết tại Cuba không thuộc hàng khắc nghiệt trên thế giới) khi điểm khô hạn nhất và điểm nhiều mưa nhất Cuba đều tập trung tại đây và chỉ cách nhau chưa đầy 50km. Gia tài lớn nhất để Guantánamo phát triển kinh tế, trớ trêu thay, chính là vùng vịnh và hải cảng đang bị Mỹ án ngữ này.         

Về địa lý, Guantánamo là một vịnh kín kép, nối liền và kế tiếp nhau như hình số 8, trong đó phần vịnh kín bên ngoài tiếp giáp biển hiện là phần bị Mỹ chiếm đóng, trong khi vịnh kín bên trong vẫn do Cuba quản lý. Với hình thế tự nhiên này, đây là một nơi lý tưởng để tầu bè neo đậu và bốc dỡ hàng hóa, tuy nhiên trong vài thế kỷ những nhà cai trị thực dân Tây Ban Nha tại Cuba không mấy quan tâm tới địa điểm chiến lược này, phần nhiều là do việc miền Đông Cuba, mặc dù là nơi được khai phá đầu tiên của hòn đảo, lại là khu vực kém phát triển hơn do khan hiếm tài nguyên.

Phải tới thế kỷ XVII,sau một trận đánh chống lại cuộc tấn công của một hạm đội hải quân Anh – được coi là thiện chiến nhất thế giới thời bấy giờ - hùng hậu với 6000 quân, khi lực lượng dân quân Cuba (khi đó quân đội chính quy do nhà cầm quyền Tây Ban Nha tổ chức và chỉ huy, người bản địa chỉ được lập các đội dân quân) ít ỏi hơn về quân số và lạc hậu hơn về vũ khí nhưng dựa vào hình thế ưu việt của Vịnh Guantánamo đã đánh bại cuộc đổ bộ của quân Anh và buộc họ phải rút lui sau khi thiệt hại tới hơn 2000 người, nhà cầm quyền thực dân Tây Ban Nha mới nhận ra tầm quan trọng chiến lược của thành lũy thiên nhiên này và củng cố các pháo đài ở đây, đặc biệt là ở 2 bên lối vào cửa vịnh tiếp giáp biển (tới nay đây vẫn là 2 điểm xung yếu nhất của Gitmo), biến nơi đây thành điểm phòng thủ quan trọng nhất của dải bờ biển Đông Nam Cuba.

Cổng đường bộ duy nhất giữa Gitmo và vùng lãnh thổ tự do của Cuba.

Tới những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX Vịnh Guantánamo chính là nơi thể hiện rõ ràng nhất tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh vũ trang giành độc lập lần 2 của nhân dân Cuba trước thực dân Tây Ban Nha và sự can thiệp sau đó của Mỹ. Từ năm 1895 – 1898, quân đội khởi nghĩa của Cuba đã chiến đấu đầy mưu trí, dũng cảm chống lại quân đội hoàng gia Tây Ban Nha đông hơn về số lượng, với trang bị tối tân và được đồn bốt bảo vệ, và đã tiến gần tới thắng lợi cuối cùng.

Trong thời gian này, áp dụng Học thuyết Monroe (*), Mỹ thường đóng vai trò trung gian đàm phán và ủng hộ quyền được độc lập của Cuba. Khi quân đội giải phóng Cuba gần giành được thắng lợi cuối cùng, Mỹ đã tự cho nổ tầu chiến Maine của mình trong cảng La Habana để lấy cớ tuyên chiến với Tây Ban Nha (tháng 2/1898, tương tự sự kiện Vịnh Bắc Bộ trong lịch sử nước ta) và cùng với nghĩa quân Cuba – lúc này vẫn nhìn nhận Washington như một đồng minh – nhanh chóng bóp nghẹt đối thủ đã kiệt quệ này. Nhưng trong cuộc đàm phán và ký kết Hiệp định Paris với Tây Ban Nha về tái lập hòa bình tại Cuba, Puerto Rico và Philippines, Mỹ đã thẳng tay gạt ra ngoài quá trình hòa đàm đại diện quân khởi nghĩa Cuba (cũng như của Puerto Rico và Philippines) – những người thực ra đã làm hầu hết phần việc đánh bại quân đội thực dân của Tây Ban Nha – và thản nhiên tiếp nhận 3 vùng thuộc địa này từ tay Madrid.

Nhưng khác với Puerto Rico, tư tưởng độc lập và sự bất bình trong xã hội Cuba khi đó rất mạnh mẽ buộc Mỹ phải dựng nên một bộ máy nhà nước bù nhìn và trao một nền độc lập giả hiệu cho Cuba, nhưng đã kịp  áp đặt một số thỏa thuận bất bình đẳng theo Tu chính án Platt (1901 – 1903), trong đó có việc cho phép Mỹ được can thiệp quân sự bất cứ khi nào cần thiết và sử dụng Vịnh Guantánamo làm căn cứ hải quân với giá thuê mỗi năm 2.000 đồng USD vàng và quyền đơn phương gia hạn tùy ý (một hiệp định sau đó năm 1934 sửa số tiền này thành hơn 4000 USD thường).

Trên thực địa, ngay trong năm 1898 sau khi tuyên chiến với Tây Ban Nha, hải quân Mỹ đã tấn công pháo đài tại Vịnh Guantánamo, khi đó đang bị các lực lượng nghĩa quân Cuba vây ráp và tấn công từ phía đất liền, và nhanh chóng chiếm được cứ điểm quan trọng này để giúp “những người bạn Cuba”, chỉ có điều là sau đó họ đã “quên” trả lại chiến lợi phẩm này (hơn 4 năm trước khi ký thỏa thuận chính thức thuê căn cứ) và giữ cho tới tận ngày nay. Các  chính phủ thân Mỹ tiền cách mạng đều chấp nhận hiện trạng bị vi phạm chủ quyền này và mọi việc chỉ thay đổi sau khi Cách mạng Cuba thành công (1959) và đảo quốc Caribe này giành được độc lập – tự chủ trọn vẹn.         

Chiến tuyến giữa thời bình

Trên những chiếc xe do Lữ đoàn Bảo vệ biên giới Guantánamo (Cuba) cung cấp, chúng tôi đi qua những con đường để thăm một số điểm trong khu vực quân sự giới nghiêm của Lữ đoàn và nhận thấy giữa những cây dại, bụi gai mọc đầy 2 bên đường, thấp thoáng một số ngôi nhà cũ bị bỏ hoang. Nữ Phó tư lệnh của Lữ đoàn Bảo vệ biên giới (**), người phụ trách dẫn đoàn chúng tôi lần này giải thích: “Đó là các ngôi làng hay khu định cư trước đây mà chúng tôi đã buộc phải di dời khi thành lập khu quân sự này để đảm bảo an toàn cho người dân”.

Ống nhòm trên một viễn đài quan sát của Lữ đoàn bảo vệ biên giới Guantánamo.

Để giúp chúng tôi hiểu rõ vấn đề hơn, nữ sĩ quan có vóc người nhỏ nhắn, nụ cười thân thiện nhưng dáng vẻ cương quyết này kể thêm: “Trong thời kỳ trước cách mạng, các chính phủ khi đó đều theo khuynh hướng thân Mỹ và do vậy lực lượng quân sự của Mỹ đóng tại Gitmo vẫn chưa có hành động quấy nhiễu nhân dân quanh vùng và thậm chí còn thuê nhân công bản địa làm một số công việc dịch vụ trong căn cứ. Đã có lúc con số người Cuba làm thuê trong căn cứ lên tới 5.000 người.

Nhưng ngay sau khi cách mạng thành công, chính quyền mới theo đường lối độc lập tự chủ ngay lập tức đã ngừng nhận tiền thuê căn cứ của Mỹ và yêu cầu Washington trả lại phần lãnh thổ trên (mà tới nay Mỹ luôn phớt lờ và bác bỏ). Từ đó, Gitmo trở thành hang ổ của lực lượng phản cách mạng cực đoan, những kẻ thường tổ chức các chiến dịch thâm nhập, quấy nhiễu nhân dân, dọa dẫm thậm chí sát hại người dân để buộc họ tiến hành các hành động phản cách mạng, rồi rút vào trú ẩn tại Gitmo. Ban đầu, Cuba thành lập các lực lượng dân phòng để đối phó với các hoạt động này, tuy nhiên khi các nhóm “thổ phỉ” từ sào huyệt Gitmo ngày càng được huấn luyện tinh nhuệ cùng các hành động khiêu khích khác mang tính quân sự, chính phủ cách mạng Cuba đã đi tới quyết định thành lập đơn vị bảo vệ biên giới và thiết lập khu vực quân sự có hành lang phân cách rộng tới 1km với Gitmo, cô lập căn cứ hải quân này với các khu dân cư để bảo đảm an toàn cho cả quân và dân Cuba”.

Hiện tại, Gitmo chiếm một diện tích 117,6km2, trong đó có 49,4km2 là đất (phần còn lại là nước gồm lãnh hải và vịnh, cùng đất sình lầy) được bao bọc trên đất liền bằng một hàng rào bê tông thép gai cao và dầy. Vịnh Guantánamo chia căn cứ này thành 2 phần Đông và Tây, trong đó phần phía Đông là nơi tập trung chủ yếu các công trình cầu cảng, nhà cửa, văn phòng, thao trường và nơi sinh hoạt, nghỉ dưỡng của quân nhân Mỹ cùng sân bay phụ, trong khi phần phía Tây gần như chỉ có một số kho bãi và sân bay chính. Căn cứ Gitmo có 2 cửa thông sang phần lãnh thổ tự do của Cuba, 1 bằng đường biển và 1 bằng đường bộ. Cổng đường biển chính là điểm nối giữa vịnh ngoài thuộc Gitmo và vịnh trong do Cuba kiểm soát; hiện tại tầu bè của Cuba hoặc tới cảng biển do Cuba kiểm soát ở vịnh trong vẫn đi qua Gitmo và giao lộ này, nhưng luôn phải do phía Mỹ đồng ý và cử tầu lai dắt; trong khi cổng trên bộ vốn là nơi trước đây nhân viên người Cuba qua lại hàng ngày và ngày nay được xây dựng thành cụm công trình nơi có bốt gác, trạm kiểm soát và cả phòng họp.

Khi quan hệ song phương trở nên căng thẳng vào giữa những năm 1960, sau hàng loạt sự kiện như việc Cuba tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa của cuộc Cách mạng 1959 (1961), cuộc đổ bộ bất thành của quân đội Mỹ vào bãi biển Girón (1961), cuộc khủng hoảng tháng Mười (1962, Mỹ và phương Tây gọi là cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba), và Đảng cộng sản Cuba chính thức ra đời (1965), “đường biên giới trong lòng lãnh thổ” này của Cuba hay ranh giới thực tế trên bộ duy nhất giữa Cuba và Mỹ đã mang tính chất của một chiến tuyến, khi hai bên tiến hành canh gác 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong năm; Mỹ tiến hành rải mìn tại phần bao quanh bên ngoài căn cứ của mình và Cuba sau đó cũng làm điều tương tự tại phần ngoài của hàng rào canh gác do mình dựng nên. Một số báo chí phương Tây còn khẳng định đây là một trong những bãi mìn lớn nhất thế giới với tổng cộng khoảng hơn 200.000 đơn vị mìn đã được rải tại hành lang phân cách.

Theo số liệu của Lữ đoàn Bảo vệ biên giới Guantánamo, kể từ khi các đơn vị dân quân và sau là bộ đội biên giới của Cuba được triển khai quanh vùng “biên giới” trên bộ này, phía Mỹ đã tiến hành tới hơn 14.000 vụ khiêu khích dưới nhiều hình thức. Tới nay, 8 chiến sĩ Cuba đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ nơi đây (người đầu tiên vào năm 1964) cùng hàng chục người khác bị thương.

Sức mạnh của lẽ phải

Công viên phong điện cung cấp điện cho Gitmo.

Trên một viễn đài trên cao, nơi có tầm nhìn bao quát toàn bộ Vịnh Guantánamo, sau khi được các chỉ huy Lữ đoàn Bảo vệ biên giới giới thiệu trên thực địa những điểm đáng chú ý của địa danh này, tôi cũng có dịp trò chuyện với một cán bộ chiến sĩ đã có gần 20 năm làm nhiệm vụ tại đây. Câu chuyện khá cởi mở khi ngay từ đầu, anh đã không giấu diếm cảm tình với Việt Nam: “Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam luôn là tấm gương cho chúng tôi, thậm chí công viên nơi chúng tôi sinh hoạt cũng có một bức tượng của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi” (rất tiếc do thời gian hạn chế của chuyến thăm, chúng tôi không đến được điểm này). Khi được hỏi về cuộc sống sinh hoạt nơi đây và rằng ngoài công tác rèn luyện và làm nhiệm vụ, chiến sĩ của lữ đoàn có tăng gia sản xuất không, anh trả lời rằng đất vùng này rất khô cằn không chăn nuôi hay trồng trọt được gì cả, và khi bắt được ánh mắt có phần nghi ngờ của tôi nhìn xuống những vùng đồi núi phủ xanh rì ở dưới, anh cười nói: “Màu xanh đó chủ yếu là của marabu đó (một loài cây bụi gai, sống rất khỏe và làm đất nhanh mất mầu), nó cũng là một loài xâm lấn nữa, không phải đặc chủng của Cuba” và tổng kết bằng câu triết lý: “Đôi khi vẻ bề ngoài vẫn hay lừa dối”. Và tại vùng đất của nắng, của gió và nơi phát tích của ca khúc kinh điển “Guantanamera” (Cô gái Guantánamo) này, tôi bị “vẻ bề ngoài lừa dối” không chỉ một lần.

Trong nhiều tác phẩm phim ảnh của Mỹ, điển hình như bộ phim “Chỉ vài người tốt” (A few good men, 1992, do Tom Cruise, Demi Moore và Jack Nicholson thủ vai chính), các đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ đồn trú tại Gitmo thường được mô tả là các đơn vị luôn đối diện hiểm nguy thường trực nơi tiền tuyến. Dẫu biết phim ảnh thường hư cấu và rằng Cuba sẽ không bao giờ lựa chọn con đường quân sự để thu hồi vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trái phép này (một hành động theo hướng này hẳn sẽ là cái cớ không thể tốt hơn để Mỹ can thiệp quân sự hay ít nhất thì cũng siết chặt hơn nhiều chính sách bao vây cấm vận hiện đã rất ngặt nghèo chống Cuba), tôi vẫn rất ngạc nhiên khi được những chỉ huy của Lữ đoàn Bảo vệ biên giới Guantánamo cho biết lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại Gitmo không những không phải đối diện nguy hiểm thể xác nào từ phía Cuba mà thậm chí còn nhận được sự trợ giúp của các “địch thủ” này.

Hiện tại, Cuba tiếp nhận các bệnh nhân cần cấp cứu từ Gitmo (nơi có trạm xá nhưng không đủ khả năng xử lý các ca phức tạp) qua máy bay trực thăng quân sự Mỹ hạ cánh xuống phi trường nhỏ của Lữ đoàn Bảo vệ biên giới và sau đó chuyển tới các bệnh viện cấp tỉnh hoặc chuyên khoa tại Guantánamo. Lực lượng quân sự hai bên cũng thỏa thuận hợp tác trong việc cứu hộ cứu nạn trên biển và phòng chống cháy rừng. Ngay trong những ngày cuối tháng 2 vừa qua, các đơn vị quốc phòng và cứu hỏa Cuba đã hỗ trợ ngăn chặn một vụ cháy rừng lan từ giải phân cách vào Gitmo khiến toàn bộ 5.500 quân nhân và thân nhân người Mỹ đóng tại đây đã phải sơ tán; chính người phát ngôn của Gitmo Julie Ann Ripley cũng phải thừa nhận với báo chí Mỹ rằng sự hợp tác của Cuba trong trường này là “rất, rất hữu dụng”.

Điều đáng nói rằng tinh thần và cách hành xử thiện chí đó không chỉ bắt đầu từ thời điểm quan hệ Cuba và Mỹ bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ mà đã từng diễn ra ngay cả trong những thời điểm căng thẳng nhất. Năm 1964, trước việc lực lượng Mỹ tại Gitmo tăng cường các hoạt động khiêu khích và thù địch, Cuba đã quyết định ngừng cung cấp điện cho Gitmo, nhưng vẫn báo trước và để đủ thời gian để Mỹ lắp đặt các trạm phát điện đủ để tự cung tự cấp, hay Cuba chưa bao giờ cấm chế người lao động của mình vào trong Gitmo làm việc (tới tận năm 2001, công dân Cuba mới ngừng vào làm việc mỗi ngày tại căn cứ hải quân này, nhưng là do phía Mỹ không còn nhu cầu khi khoảng 150 gia đình người lao động Cuba cuối cùng đã nhập tịch Mỹ và ở hẳn trong căn cứ).

Vẫn còn nhiều nữa những mẩu chuyện, giai thoại lịch sử minh chứng cho tinh thần thiện chí, mã thượng (nhưng không bao giờ đánh đổi nguyên tắc của mình) của các chiến sĩ Cuba tại Guantánamo ngay cả trước một kẻ thù cường bạo, ngang ngược, giầu có, mưu mô và từng gây không ít tổn thất cả về tinh thần lẫn vật chất cho đảo quốc Caribe này. Điều đó đòi hỏi phải có một bản lĩnh chính trị vững vàng và niềm tin kiên định vào chân lý mà mình bảo vệ. Nằm tại miền Đông đầy nhiệt huyết – nơi khởi phát của cả 2 cuộc chiến tranh giành độc lập lẫn phong trào cách mạng 26/7 – điểm “địa đầu Tổ quốc” của Cuba này chính là biểu tượng cho cuộc đấu tranh bền bỉ để giành được và bảo vệ quyền độc lập, tự chủ toàn vẹn chính đáng của nhân dân “hòn đảo tự do”, trong đó để đương đầu với những thế lực hơn mình nhiều lần về sức mạnh vật chất, họ đã biết vận dụng đầy mưu trí một loại sức mạnh khác, sức mạnh của lẽ phải.

(*) Học thuyết Monroe: Do tổng thống Mỹ James Monroe (1758 - 1831) đề xướng và được phát biểu một cách ngắn gọn “châu Mỹ thuộc về người Mỹ”. Đây là cách chơi chữ vì chữ “người Mỹ” có 2 cách hiểu và cũng là 2 chủ trương chính của học thuyết: cách hiểu thứ nhất là châu Mỹ là của “người châu Mỹ” bao hàm việc ủng hộ nền độc lập của các nước châu Mỹ khỏi các mẫu quốc châu Âu, và cách hiểu thứ hai là châu Mỹ là của “người nước Mỹ” chỉ việc sau khi hất cẳng các thực dân châu Âu, Mỹ sẽ đưa các nước tại châu lục này và quỹ đạo phụ thuộc mình.

(**) Để tôn trọng tính bảo mật quân sự theo đề nghị của phía bạn, chúng tôi không nêu tên và chức danh của các sĩ quan, chiến sĩ tại Lữ đoàn Bảo vệ biên giới đã gặp và không chụp ảnh các công trình bên trong khu vực quân sự do đơn vị này quản lý.

Bài và ảnh: Lê Hà (P/v TTXVN tại Cuba)
Ảnh hiếm về cuộc sống quân nhân Mỹ tại nhà tù Guantanamo
Ảnh hiếm về cuộc sống quân nhân Mỹ tại nhà tù Guantanamo

Nhà tù Guantanamo là một cái tên nổi tiếng tại Mỹ nhưng nhiều khu vực trong cơ sở này vẫn là bí ẩn lớn. Chùm ảnh dưới đây do tờ Daily Mail (Anh) tổng hợp đã phần nào cho thấy cuộc sống của các quân nhân Mỹ bên trong nhà tù này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN