Vĩ đại là thế nhưng trong đời thường, vị Đại nguyên soái ấy lại là một con người sống nhân văn. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ.
Vào năm 1949, Triển lãm Nông nghiệp toàn Liên Xô thời kỳ hậu chiến lần đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Moskva. Trong số những gian trưng bày tại triển lãm, các nhà tổ chức đặc biệt quan tâm đến gian giới thiệu thành tích nông nghiệp của Cộng hòa Xôviết Gruzia - quê hương của Josiph Stalin. Trong khi thiết kế và thi công gian trưng bày này, họ quyết định mời nhà lãnh đạo Liên Xô đến xem để đánh giá và chỉ ra những sai sót cần sửa chữa, bởi vì Josiph Stalin chắc chắn là người hiểu rõ về vùng đất mẹ thân yêu của mình.
Lúc đầu, Stalin từ chối đến xem công trình với lý do không có thời gian, nhưng sau đó, ông lại bất ngờ xuất hiện và bắt đầu thị sát. Các công nhân đang thi công công trình, lẽ dĩ nhiên không hề hay biết gì về sự có mặt của nhà lãnh đạo tối cao và cứ thế tiếp tục công việc thường ngày của mình. Về phía các thành viên Ban tổ chức Triển lãm đi theo ông, vì không có sự chuẩn bị trước nên họ rất lo ngại, vừa e rằng có sơ suất gì đó trong khâu đón tiếp vừa lo về khả năng đột nhiên lãnh tụ vĩ đại lại phát hiện ra điều gì đó không ổn.
Stalin lần lượt xem các vật phẩm được trưng bày và theo thói quen, ông rút tẩu thuốc ra châm lửa hút (ông nghiện thuốc lá và chuyên hút bằng tẩu). Khuôn mặt ông thể hiện sự bình thản. Chắc là ông hài lòng- những người đi sau Stalin trên công trường đoán thế và bắt đầu thở phào nhẹ nhõm…
Nhưng rồi từ một điểm cách đoàn quan khách không xa bỗng phát ra tiếng la lối. Ấy là một nhân viên bảo vệ gay gắt với Stalin: “Người đàn ông kia, yêu cầu ông tắt thuốc ngay! Đây là nơi cấm hút thuốc. Khắp nơi đều là gỗ cả. Chỉ một đốm lửa nhỏ rớt xuống là mọi thứ đi tong hết”. Vừa nói, anh ta vừa lại gần “đối tượng phạm lỗi”. Và rồi khi tới gần, nhân viên bảo vệ nghiêm khắc ấy đột nhiên im thit thít. Dường như anh đã nhận ra người đàn ông vừa bị anh nhắc nhở ấy là ai. Stalin không nói gì. Ông lặng lẽ tắt lửa và nhét tẩu thuốc vào túi áo, rồi tiếp tục thị sát công trình.
Stalin đi rồi, anh bảo vệ mặt cắt không còn hột máu. Các đồng nghiệp của anh được thể hù dọa thêm rằng, anh chắc chắn sẽ bị cơ quan chức năng ghi sổ đen, và nhẹ nhất là anh sẽ bị sa thải. Suốt mấy ngày đêm mất ăn mất ngủ, ai cũng bảo anh xuống sắc lắm. Ban Tổ chức triển lãm cũng đau đáu lo âu.
Vài ngày sau, nhân viên bảo vệ nọ run như cầy sấy khi thấy một chiếc xe mang biển số công vụ xịch đỗ trước cửa nhà mình. “Thế là mình toi đời rồi…” - anh nghĩ bụng. Nhưng…. từ trong xe bước ra là mấy nhân viên com-lê cà-vạt chỉnh tề, vẻ mặt hòa nhã. Họ trang trọng trao cho anh phần thưởng bằng tiền mặt kèm theo thư riêng của Stalin khen ngợi anh “về tinh thần cảnh giác cao trong khi thi hành nhiệm vụ”. Họ nói rằng: Stalin là người luôn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công việc của người lao động. Mỗi khi được biết về những trường hợp như vậy, ông thường có ngay những hình thức khen thưởng thỏa đáng và kịp thời.
Anh bảo vệ vui không kể xiết và thêm tự tin vào các nguyên tắc nghề nghiệp của mình!