Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình nhà nước Rossiya-1, Thị trưởng Sobyanin nêu rõ: "Nhiều khả năng chúng ta phải tiêm phòng cho từ 6 - 7 triệu người".
Nga bắt đầu triển khai tiêm vaccine Sputnik V cho người dân thông qua hệ thống 70 cơ sở y tế, đánh dấu đợt tiêm chủng đại trà đầu tiên ngừa COVID-19. Theo đó, Sputnik V sẽ được ưu tiên tiêm cho các bác sĩ và nhân viên y tế, giáo viên và nhân viên làm công tác xã hội, là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất.
Tại Moskva, trong 5 giờ đầu tiên đã có 5.000 người thuộc các diện trên đăng ký tiêm phòng. Chính quyền thành phố này đã thiết lập dây chuyền công nghệ và tổ chức tiêm chủng đồng bộ gồm kho bảo quản vaccine Sputnik V, tủ lạnh và phòng lạnh để vận chuyển vaccine. Tổng cộng, khoảng 10 tỷ ruble sẽ được phân bổ cho công tác tiêm phòng. Khoản chi tiêu này được đưa vào ngân sách thành phố năm 2021.
Vaccine đầu tiên trên thế giới ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga do Trung tâm Gamaleia phát triển đã được đăng ký tại Nga ngày 11/8. Các nhà phát triển đánh giá hiệu quả của vaccine này là hơn 95%. Vaccine Sputnik V đòi hỏi hai liều tiêm cách nhau 21 ngày.
* Cùng ngày, Giám đốc doanh nghiệp và thương mại của công ty BioNTech (Đức) Sean Marett cho biết vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech có thể được vận chuyển tới Canada trong vòng 24 giờ sau khi các cơ quan chức năng Canada cấp phép lưu hành.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, phát biểu trong chương trình Rosemary Barton Live của kênh CBC, ông Marett cho hay Canada sẽ sớm cấp phép cho vaccine của Pfizer/BioNTech và vaccine này có thể được chuyển đến Canada “rất nhanh sau đó”.
Vaccine do Pfizer và BioNTech đồng phát triển dự kiến sẽ là vaccine đầu tiên được cấp phép lưu hành ở Canada. Trước đó, vaccine này đã được Chính phủ Anh phê chuẩn vào tuần trước.
* Cũng trong ngày 6/12, Indonesia tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị triển khai một chương trình tiêm chủng đại trà.
Phát biểu họp báo trực tuyến, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo nước này đã nhận được 1,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc và dự kiến tiếp nhận thêm 1,8 triệu liều vào đầu tháng 1/2021. Indonesia cũng hy vọng nhận được các lô hàng nguyên liệu để sản xuất 15 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong tháng này và 30 triệu liều trong tháng tới.
Vaccine của Sinovac đã được Indonesia thử nghiệm hồi tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, vaccine này vẫn cần phải trải qua quy trình đánh giá của cơ quan an toàn thực phẩm và dược phẩm của Indonesia.