Moskva công nhận Donbass, chứng khoán Nga lao dốc, phí bảo hiểm rủi ro Nga tăng vọt

Thị trường chứng khoán của Nga giảm 10% và chi phí bảo hiểm rủi ro nợ chủ quyền của Nga tăng vọt sau khi Tổng thống Putin công nhận nền độc lập của hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở Đông Ukraine.

  

Chú thích ảnh
Đồng ruble Nga đã giảm giá mạnh so với USD và euro sau tuyên bố từ Điện Kremlin công nhận hai nước Cộng hòa tự xưng ở Đông Ukraine. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, đồng ruble Nga đã giảm giá mạnh so với USD, trong khi chứng khoán giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận hai nước Cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine.

Đồng ruble đã giảm xuống mức thấp nhất là 80,0650 ruble/USD sau bài phát biểu dài trên truyền hình của Tổng thống Putin. So với đồng euro, đồng ruble mất 2,6% xuống 89,79 ruble/euro sau khi chạm mức 90,7850, mức thấp kỷ lục kể từ tháng 4/2021.

Không có tài sản nào của Nga không bị tổn hại, với giá cổ phiếu giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 11/2020 và lợi suất trái phiếu, vốn biến động tỉ lệ nghịch với giá, tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2016.

Chỉ số RTS tính theo đồng USD kết thúc ngày giảm 13,2% xuống 1.207,5 điểm và chỉ số MOEX Nga tính theo đồng ruble (.IMOEX) mất 10,5% xuống 3.036,9 điểm.

Chi phí bảo đảm cho các khoản nợ có chủ quyền của Nga chống lại việc vỡ nợ cũng tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2016 và cả trái phiếu USD có chủ quyền của Moskva và Kiev đều giảm. Cụ thể, chi phí bảo hiểm trái phiếu kỳ hạn 5 năm của Nga bằng USD ngày 22/2 đã tăng vọt lên 3,3 điểm phần trăm so với tỷ giá liên ngân hàng London, một mức kỷ lục. 

Trước đó, ngày 22/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine là các thực thể độc lập, làm gia tăng căng thẳng ở một khu vực mà phương Tây lo ngại chiến tranh sẽ nổ ra.

Xem Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng (Nguồn: D.M)

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết giờ đây những rủi ro địa chính trị trong cuộc chiến Ukraine-Nga đang bắt đầu có tác động đáng kể đến tài sản toàn cầu.

So sánh đồng ruble với các đồng tiền trên thị trường mới nổi là một thước đo tốt để đánh giá mức bù rủi ro vẫn được định giá vào đồng ruble. "Trên cơ sở đó, các ước tính mới nhất của chúng tôi sẽ đặt phần bù rủi ro từ sự leo thang gần đây trong khủng hoảng Ukraine) ở mức 9% dựa trên giá đóng cửa của ngày 18/2", Goldman Sachs cho biết.

Theo trang Asiatimes, tuyên bố của Moskva không làm thay đổi gì nhiều trên thực tế. Donetsk và Luhansk đã tuyên bố là các nước Cộng hòa tự xưng, tách khỏi kiểm soát của Kiev từ năm 2014. Nhưng nó có thể khiến Ukraine rơi vào tình trạng bất ổn kéo dài và bổ sung thêm những quân bài mặc cả cho Nga trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai về tình trạng của Ukraine. Duma Quốc gia Nga tuần trước cũng đã thông qua một nghị quyết kêu gọi công nhận hai khu vực trên của Ukraine.

Tuyên bố của Nga đang làm leo thang áp lực lên các thành viên châu Âu của NATO nhằm tìm ra một giải pháp có thể chấp nhận được đối với Moskva.

Chú thích ảnh
Tổng thống Putin phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh tại Điện Kremlin ngày 21/2/2022. Ảnh: AP 

Hiện tại việc phương Tây sẽ phản ứng ra sao vẫn chưa rõ ràng. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cảnh báo rằng việc Nga công nhận các khu vực đòi độc lập ở Đông Ukraine sẽ là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và đòi hỏi phải có phản ứng.

Tuy vậy, một phản ứng thực chất sẽ ra sao thì còn chưa rõ. NATO không có lực lượng nào để chống lại các lực lượng vũ trang hiện đại hóa của Nga. Chắc chắn khối quân sự này có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhưng không có sản phẩm thay thế cho dầu và khí đốt của Nga, và nguy cơ “gậy ông đập lưng ông” có thể thấy trước.

Mỹ đã đe dọa trừng phạt trong trường hợp Nga tấn công quân sự Ukraine, nhưng việc Moskva thừa nhận trên giấy tờ về các sự kiện đã xảy ra trên thực tế lại không đạt đến tiêu chuẩn đó. Hiện tại, giới phân tích cho rằng không có khả năng các chính phủ châu Âu sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt thực chất đối với Nga trong trường hợp Moskva không đưa quân vào Ukraine.

Chú thích ảnh
Thường dân ở Donbass sơ tán sang Nga khi hai bên, chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập, vi phạm lệnh ngừng bắn. Ảnh: AP

Khu vực Donbass chủ yếu nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine đã đòi độc lập từ năm 2014 sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea. Vào tháng 4/2014, lực lượng đòi độc lập đã chiếm giữ các tòa nhà chính phủ ở các khu vực Donetsk và Luhansk, tuyên bố thành lập "các nước cộng hòa nhân dân" và chiến đấu với quân đội chính phủ Ukraine.

Tháng 5/2014, các khu vực trên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để tuyên bố độc lập và nỗ lực trở thành một phần của Nga. Moskva đã không chấp nhận đề nghị này, nhưng hỗ trợ cho khu vực đòi độc lập và sử dụng Donbass như một công cụ để ngăn cản Ukraine gia nhập NATO.

Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ lực lượng đòi độc lập bằng quân đội và vũ khí. Moskva bác bỏ điều đó, nói rằng bất kỳ người Nga nào tham chiến ở đó đều là những người tình nguyện.

Sau thất bại nặng nề của quân đội Ukraine vào tháng 8/2014, các phái viên từ Kiev, lực lượng đòi độc lập và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đã ký một thỏa thuận ngừng bắn tại thủ đô Minsk của Belarus vào tháng 9/2014.

Thỏa thuận nhanh chóng sụp đổ và giao tranh quy mô lớn lại tiếp tục, dẫn đến một thất bại lớn khác cho các lực lượng Ukraine tại Debaltseve vào tháng 1 - 2/2015.

Sau đó, Pháp và Đức đã làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình khác, được ký kết tại Minsk vào tháng 2/2015 với các đại diện của Ukraine, Nga và phe đòi độc lập ở miền đông Ukraine.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine ở ngoại ô, Ukraine ngày 21/2/2022. Ảnh: Getty Images
Thu Hằng/Báo Tin tức
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc khuyến cáo các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột ở miền đông Ukraine
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc khuyến cáo các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột ở miền đông Ukraine

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột ở miền đông Ukraine, phù hợp với Thỏa thuận Minsk, theo tinh thần Nghị quyết số 2202 (năm 2015) của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN