Phát biểu ngày 2/10, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai tuyên bố tăng cường các lệnh trừng phạt trong khi các cường quốc châu Âu khẳng định với Tehran rằng ông chủ Nhà Trắng sẵn sàng đàm phán là "không thể chấp nhận được". Cũng theo Tổng thống Iran, các cường quốc châu Âu vẫn đang tiếp tục thúc đẩy nỗ lực để dàn xếp các cuộc đàm phán.
Cùng ngày, tại cuộc họp nội các hằng tuần, Tổng thống Rouhani tuyên bố Tehran ủng hộ kế hoạch của các nước châu Âu, trong đó có Pháp, Anh và Đức, nhằm củng cố thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đạt được với các cường quốc hồi năm 2015 - văn kiện mà Mỹ đã tuyên bố rút hồi năm ngoái. Kế hoạch này bao gồm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, đảm bảo Tehran ủng hộ hòa bình khu vực, gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ và nối lại ngay lập tức hoạt động xuất khẩu dầu của Iran.
Theo Tổng thống Rouhani, kế hoạch trên đã có thể được thảo luận trong chuyến thăm New York hồi tuần trước của ông nhân kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã làm tiêu tan cơ hội khi công khai cảnh báo áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt chống Iran.
Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại cuộc gặp các chỉ huy Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), lãnh tụ tối cao Iran - Đại giáo chủ Ali Khamenei tuyên bố Iran sẽ tiếp tục giảm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015 cho đến khi đạt được "kết quả mong muốn". Ngoài ra, ông nêu rõ "trách nhiệm thuộc về Tổ chức Năng lượng nguyên tử và cơ quan này phải tiến hành thực thi việc cắt giảm... theo cách chính xác, đầy đủ, toàn diện và tiếp tục cho đến khi đạt được kết quả mong muốn".
Các phát biểu mạnh mẽ trên của các nhà lãnh đạo Iran được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng nước này và Mỹ leo thang kể từ tháng 5/2018, khi Tổng thống Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - ký giữa Tehran và 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc) và Đức, đồng thời tái áp đặt và ngày càng siết chặt trừng phạt Iran. Đáp trả, Iran bắt đầu vượt quá các giới hạn cam kết về khả năng hạt nhân.
Căng thẳng có nguy cơ lên đỉnh điểm sau các vụ tấn công ngày 14/9 vừa qua vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, khiến sản lượng dầu của nước này giảm 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới. Mỹ và Saudi Arabia cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công này. Tehran đã bác bỏ cáo buộc, đồng thời tuyên bố sẵn sàng đáp trả nếu bị tấn công quân sự.
Hiện nhiều nước phương Tây trông đợi Washington và Tehran đàm phán để tháo gỡ những vấn đề hiện nay.