Ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong-hui bồi hồi nhớ lại kỷ niệm khi cùng xem bức ảnh họ chụp chung. Ảnh chụp năm 1971 nhưng mãi 31 năm sau, vào năm 2002, họ mới được phép kết hôn. Họ đã trải qua quãng thời gian xa xách dài đằng đẵng cho tới khi Bình Nhưỡng đã có động thái hiếm hoi là chấp nhận cho công dân cưới người nước ngoài.
"Ngay giây phút đầu tiên gặp anh, tôi đã rất buồn vì cảm nhận được rằng tình yêu này có thể sẽ không bao giờ thành hiện thực", bà Ri Yong Hui (hiện 70 tuổi) chia sẻ với Reuters trong căn nhà nhỏ của hai vợ chồng ở thủ đô Hà Nội.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết vào năm 1967, khi chiến tranh Việt Nam đang xảy ra, ông Cảnh nằm trong số 200 sinh viên được cử tới Triều Tiên học tập. Vài năm sau đó, trong một buổi thực tập kỹ thuật hóa học tại nhà máy phân bón ở miền Đông Triều Tiên, ông Cảnh đã gặp bà Ri Yong-hui lần đầu.
Ông Cảnh chia sẻ ở thời khắc định mệnh đó, ông đã thầm nhủ: “Mình phải cưới cô gái ấy”. Sau đó lấy hết dũng cảm, ông Cảnh chủ động tiếp cận và xin địa chỉ của bà Ri Yong-hui.
Trong khi đó, bà Ri Yong-hui cũng bộc bạch: “Lần đầu thấy anh, tôi đã biết đây chính là người ấy. Anh Cảnh có diện mạo thanh tú. Ngày đó, khi gặp những chàng đẹp trai, tôi thường không mấy rung động. Nhưng lúc biết anh Cảnh mở lòng mình, trái tim tôi đã tan chảy”.
Mối tình của họ chớm nở nhưng cũng gặp phải khó khăn bởi ở thời điểm đó cả Triều Tiên và Việt Nam đều hạn chế công dân có quan hệ tình cảm với người nước ngoài.
Họ đã trao đổi thư từ qua lại, sau đó bà Ri Yong-hui đồng ý để ông Cảnh đến thăm nhà. Trải qua hành trình 3 tiếng trên xe buýt và 2km đi bộ, ông Cảnh mới đến được nhà của người thương. Hàng tháng, hàng tháng, chàng sinh viên trẻ Phạm Ngọc Cảnh tới thăm người yêu với một hành trình như thế, trước khi anh trở về Việt Nam năm 1973.
Trở về Hà Nội, cơ hội được gặp bà Ri Yong-hui của ông Cảnh tưởng chừng khép lại với bao nhớ nhung, khắc khoải... Tuy nhiên, 5 năm sau, Viện Kỹ thuật Hóa học Việt Nam tổ chức đoàn công tác tới Triều Tiên, ông Cảnh đã nằm trong danh sách được cử đi.
Khi này, ông Cảnh mang theo một bức thư để gửi tới giới lãnh đạo Triều Tiên xin phép được cưới bà Ri Yong-hui. Tuy nhiên, ông Cảnh đã không thể gửi được bức thư, nhưng trong lần đến Triều Tiên năm 1978 này ông đã hội ngộ với bà Ri Yong-hui và đề nghị bà chờ đợi ông.
Năm 1992, ông Cảnh lại có dịp đến Triều Tiên với tư cách phiên dịch viên cho đoàn thể thao Việt Nam nhưng lần này ông đã không thể gặp bà Ri Yong-hui. Khi trở về Hà Nội, ông nhận được bức thư của bà Ri Yong-hui gửi trong đó khẳng định bà vẫn giữ lời ước hẹn năm xưa và dành trọn tình cảm dành cho ông.
Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, Triều Tiên gặp phải nạn đói nghiêm trọng. Ông Cảnh đã vận động bạn bè quyên góp, ủng hộ được 7 tấn gạo gửi tới Triều Tiên. Phía Triều Tiên ghi nhận lòng tốt của ông Cảnh và chấp thuận cuộc hôn nhân giữa ông và bà Ri Yong-hui.
Vượt qua mọi cách trở không gian và thời gian, cuối cùng hai trái tim thủy chung cũng đi tới một cái kết có hậu. Năm 2002, ông Cảnh cùng bà Ri Yong-hui đã tổ chức lễ cưới chính thức tại Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Bình Nhưỡng, sau đó cặp đôi bắt đầu cuộc sống mới tại Hà Nội.
Cả ông Cảnh và vợ đều đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai được tổ chức vào cuối tháng 2 tại Hà Nội giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Hai người mong mỏi cuộc gặp tại Hà Nội sắp tới sẽ mang lại nhiều đổi thay tích cực cho đất nước Triều Tiên.