Theo báo Anh Guardian, phụ nữ công sở được cho là sẽ mua socola cho các đồng nghiệp nam như một phần văn hóa truyền thống có tên gọi Nhật Bản là “giri choco” – tạm dịch là “nghĩa vụ socola”.
Để đáp trả lại tấm lòng của bạn nữ, nam giới cũng sẽ mua socola để tặng lại những người phụ nữ mình yêu quý vào sau đó một tháng, ngày 14/3 hay còn gọi là Valentine Trắng – một ngày mà những nhà sản xuất socola tự nghĩ ra để kích cầu lượng mua kẹo vào đầu những năm 1980.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy truyền thống “giri choco” từ lâu đã không còn được ưa chuộng.
Đối với nhiều người, họ cảm thấy không thể chịu đựng được khi đối mặt với áp lực phải chi hàng nghìn yên để mua socola cho đồng nghiệp nếu không muốn gây mất lòng. Thậm chí, một số công ty còn phải ban lệnh cấm “thủ tục” này khi nhiều nhân viên coi đây là một hình thức lạm dụng quyền lực và quấy rối.
Trong một cuộc khảo sát gần đây công bố trên báo Japan Times, có hơn 60% phụ nữ Nhật Bản chọn mua socola cho bản thân vào ngày 14/2. Hơn 56% phụ nữ cho biết sẽ mua socola cho người thân, trong khi chỉ có 36% có hành động tương tự cho người yêu hoặc người mình thích.
Nam đồng nghiệp là đối tượng mà phụ nữ cảm thấy xa vời nhất khi mua socola tặng trong dịp này, khi chỉ có 35% phụ nữ tham gia khảo sát có kế hoạch mua tặng.
“Trước khi có lệnh cấm, chúng tôi phải lo lắng về những thứ như số tiền phù hợp bỏ ra để mua socola hay phải chọn người mình sẽ tặng socola, nên thật là tốt khi chúng tôi không còn văn hóa ‘ép phải cho đi’ như thế này”, một nhân viên văn phòng giấu tên tham gia khảo sát giải thích.
Cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện vào tháng 12/2018 với sự tham gia của 781 phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 78.
Số tiền trung bình cho socola mà phụ nữ sẽ mua cho bản thân nằm ở mức 4.204 yên (gần 900.000 đồng), trong khi quỹ chi mua socola dành cho những người thân yêu hoặc một người yêu tương lai là 3.809 yên (800.000 đồng). Số tiền họ bỏ ra mua socola cho đồng nghiệp chỉ bằng 1/3, ở mức 1.033 yên.
“Ngày lễ Tình nhân từng là một ngày đặc biệt, khi đó (phụ nữ) tặng quà và thổ lộ tình yêu với ai đó, ngày nay, phụ nữ mua và thưởng thức socola cho chính bản thân. Kết quả khảo sát cho thấy rõ những xu hướng này”, một nhân viên phụ trách bộ phận PR của một cửa tiệm bách hóa cho biết.
Trang SoraNews 24 còn viết về một hiện tượng phổ biến gần đây có tên gọi “gyaku choco” (socola đảo ngược). Lúc này người đàn ông sẽ mua socola tặng vợ, bạn gái hay người phụ nữ mình yêu mến.
Tặng socola làm quà trong ngày Valentine trở thành một ngành thương mại hóa tại Nhật Bản vào giữa những năm 1950, phát triển thành một thị trường trị giá hàng triệu USD, với khả năng đem lại lợi nhuận cho một số nhà sản xuất phần lớn doanh thu hàng năm của họ chỉ trong vài ngày ngắn ngủi.
Tuy nhiên sự phản ứng mạnh mẽ chống lại văn hóa “giri choco” gần đây đã khiến một số nhà sản xuất bánh kẹo thay đổi các chiến dịch quảng cáo.
Trong quá trình chuẩn bị cho ngày lễ Valentine năm ngoái, Godiva - nhà sản xuất socola nổi tiếng của Bỉ đã gây xôn xao dư luận khi đăng một quảng cáo tràn trang báo kêu gọi các doanh nghiệp khuyến khích nhân viên nữ không nên thực hiện “giri choco” nếu họ cảm thấy không cần làm vậy.
“Ngày lễ Tình nhân là một ngày mà mọi người mong muốn truyền đạt cảm xúc thật của bản thân, tách rời với các mối quan hệ công việc”, quảng cáo nhấn mạnh.
Trong khi người tiêu dùng cá nhân cân nhắc lựa chọn tặng quà, thì nỗi ám ảnh về socola ngày lễ Valentine Nhật Bản lại đang được áp dụng cho tập thể các doanh nghiệp khi ngày lễ đang đến gần.
Hãng hàng không Japan Airlines thông báo sẽ phát socola cho hành khách - cả nam và nữ - trên tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế vào ngày 14/2 tới, trong khi một khu nghỉ dưỡng suối nước nóng gần thủ đô Tokyo quảng cáo về một bồn tắm chứa đầy socola nóng chảy.