Hai tỉ phú Richard Branson và Jeff Bezos vừa thực hiện các chuyến bay ra ngoài không gian để quảng bá cho xu hướng mới về du lịch vũ trụ. Ngoài mở ra cơ hội cho lĩnh vực thám hiểm không gian dân sự, nó cũng đặt ra những lo ngại về đạo đức và thực tiễn. Đó là mức độ an toàn tính mạng đối với khách thám hiểm trong điều kiện vũ trụ ngày càng chật hơn, khi càng nhiều vệ tinh, hoạt động thám hiểm khoa học, rác vũ trụ và thậm chí là cả hoạt động quân sự được đưa lên vũ trụ.
Hồi tháng 5 vừa qua, lõi tên lửa dùng để đưa Module Thiên Hà lên trạm không gian của Trung Quốc rơi mất kiểm soát, gây lo lắng cho cả thế giới về những nguy cơ mà rác vũ trụ có thể gây ra, nơi những can nhựa còn lơ lửng trong quỹ đạo cũng có thể đe dọa cả một tàu vũ trụ. Trước đó, hồi tháng 9/2019, vệ tinh Space X của tỉ phú Elon Musk cũng đã chút nữa và chạm với vệ tinh Aeolus của Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) khi cả hai đều bay ở quỹ đạo thấp.
Theo giới nghiên cứu, những vụ việc như trên cho thấy thế giới đang thiếu những quy định, hướng dẫn về tránh va trạm trong không gian. Theo Chuẩn tướng Bruce McClintock, cựu sĩ quan cấp cao Không quân Mỹ và hiện là người đứng đầu nhóm nghiên cứu sáng kiến doanh nghiệp không gian tại trung tâm RAND (Mỹ), những luật về không gian hay quy phạm điều chỉnh không gian rõ ràng đã không theo kịp sự biến đổi của tình hình.
Những nguyên tắc cho hoạt động không gian đã được thế giới thảo luận, bàn tính trong nhiều năm. Có cả Hiệp ước Không gian Bên ngoài (OST) được xây dựng từ năm 1967 với hơn 110 nước tham gia ký kết. Tuy nhiên, những cái được gọi là chuẩn tắc này đến nay đều đã lỗi thời, hoặc quá mơ hồ, không phù hợp với sự bùng nổ hoạt động không gian. Trong báo cáo mới công bố, RAND đã đề cập đến nguy cơ “thảm kịch chung chung”, một thuật ngữ dùng để chỉ việc các bên đã không quan tâm đúng mức tới một khu vực do những lằn ranh trách nhiệm thiếu rõ ràng.
Điều 6 OST quy định các nước “có nghĩa vụ quốc tế đối với các hoạt động do mình thực hiện trong không gia bên ngoài”, dù là của chính phủ hay là các thực thể tham gia vì mục đích thương mại. Theo Frans von der Dunk, giáo sư về Luật không gian tại Đại học Nebraska-Lincoln, hiệp ước OST xuất hiện trong bối cảnh các nước, mà chủ yếu là Mỹ và Liên Xô, tiến hành khám phá không gian. Thỏa thuận này không hề đề cập đến những hoạt động mang tính chất du lịch vũ trụ như tỉ phú Richard Branson và Jeff Bezos vừa thực hiện.
Tháng 10 năm ngoái, chính quyền Tổng thống Donald Trump thông qua Thỏa ước Artemis, với sự tham gia của 7 nước khác là Australia, Canada, Nhật Bản, Luxembourg, Italy, Vương quốc Anh và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nhằm củng cố các kế hoạch đưa phi hành gia trở lại Mặt trăng vào năm 2024. Tuy nhiên, văn bản 18 trang này không mang tính ràng buộc pháp lý.
Khi tỉ phú Bezos bước lên tàu New Shepard và được phóng đi từ một địa điểm ở tây Texas hôm 20/7 để hoàn tất chuyến khám phía rìa vũ trụ, Mỹ là quốc gia chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của tàu vũ trụ và phi hành đoàn theo luật quốc tế. Chuyến đi đã đánh dấu sự gia nhập của Blue Origin do Bezos sở hữu vào thị trường không gian tư nhân, vốn đang nằm dưới sự thống trị của SpaceX và Virgin Galactic, hai công ty của hai tỉ phú Elon Musk và Richard Branson.
Tuy nhiên, theo Scott Pace, người từng đảm nhận cương vị Thư ký điều hành Hội đồng Không gian Quốc gia Mỹ (NSC), một tổ chức chuyên giám sát hoạt động không gian được tái lập năm 2017 theo quyết định của ông Trump, những gì mà Bezos, Musk hay Branson là đều rất nguy hiểm và khách du lịch vũ trụ tiềm năng là những người cần phải nhận ra điều đó.
“Chúng ta có một cơ chế luật rất lỏng lẻo, trong khi điểm cần lưu tâm nhất chính là việc người trên tàu vũ trụ không va chạm, gây hại đến ai sau khi được phóng lên không gian. Ở thời điểm hiện tại, chỉ có thể tạo ra được bước dịch chuyển khiêm tốn nhất liên quan đến luật quốc gia về quản lý ngành du lịch vũ trụ đang bùng nổ”, Tiến sĩ Pace, giờ là Giám đốc Viện Chính sách Không gian tại Đại học George Washington nói.