Theo tờ Vox, doanh nhân người Anh này đã thử làm rất nhiều điều trong cuộc đời, từ vượt Đại Tây Dương bằng xuồng máy trong thời gian kỷ lục tới chu du thế giới bằng khinh khí cầu. Tuy nhiên, chuyến du hành vũ trụ của ông ngày 11/7 mới là điều đáng lưu ý nhất.
Con tàu chở tỷ phú Branson cùng 2 phi công và 3 hành khách đã khởi hành trên một chuyến bay từ căn cứ ở bang New Mexico (Mỹ) với đích đến là rìa vũ trụ. Một máy bay VMS Eve của Virgin Galactic chở theo tàu vũ trụ VSS Unity bay lên độ cao khoảng 15 km. Tại đây, tàu vũ trụ VSS Unity được thả ra khỏi tàu mẹ và kích hoạt động cơ tên lửa để bay lên khỏi độ cao 80 km, được các cơ quan chức năng Mỹ gọi là rìa vũ trụ.
Sau khi tắt động cơ tên lửa, hành khách tháo dây an toàn và trải nghiệm cảm giác không trọng lượng trong vài phút. Sau khi lên đến độ cao khoảng 88 km, con tàu quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất rồi hoạt động như máy bay thông thường và hạ cánh xuống đường băng. Toàn bộ hành trình kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ.
Đây là hành trình được kỳ vọng mở đường cho phát triển ngành du lịch không gian vũ trụ. Du lịch vũ trụ từ lâu đã là tham vọng của ông Branson. Dự án vũ trụ của ông thông qua tập đoàn Virgin Group đã thực hiện nhiều hoạt động. Ông đã thành lập công ty Virgin Galactic năm 2004, khi ngành vũ trụ tư nhân đang bắt đầu trở nên cạnh tranh. Năm 2000, Tổng giám đốc điều hành Jeff Bezos của Amazon đã thành lập công ty Blue Origin và hai năm sau đó, tỷ phú Elon Musk thành lập SpaceX.
Trong hơn chục năm qua, các công ty tư nhân này luôn chạy đua với nhau trong thực hiện chuyến bay thử nghiệm và chuẩn bị đưa con người (kể cả người thường) vào vũ trụ. Cùng lúc đó, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày càng dựa vào các công ty tư nhân này để thực hiện công việc của mình, như đưa hàng lên vũ trụ, huấn luyện phi hành gia, trở lại Mặt Trăng…
Bà Janet Bednarek, sử gia hàng không tại Đại học Dayton, nói: “Nếu bạn muốn người khác trả tiền để làm việc này, phần lớn mọi người sẽ không trả tiền vì có nguy cơ khá rõ là họ sẽ chết. Tôi nghĩ đó là một phần tại sao ông Branson đích thân tham gia chuyến bay. Đó là tín hiệu cho thấy du hành vũ trụ an toàn”.
Chuyến bay của ông Branson là bước ngoặt mới với Virgin Galactic và là bước đi sẽ giúp nhân loại tiến gần hơn tới kỷ nguyên du lịch vũ trụ thương mại.
Mặc dù SpaceX và Blue Origin có một loạt mục tiêu khác, như đưa hàng lên Trạm Vũ trụ Quốc tế, nhưng Virgin Galactic khác hẳn vì chỉ tập trung vào du lịch vũ trụ với ý tưởng mọi người sẽ sẵn sàng chi rất nhiều tiền để có cơ hội du hành vũ trụ. Hồi năm 2004, ông Branson từng nói: “Chúng tôi hy vọng đào tạo hàng nghìn nhà du hành vũ trụ trong vài năm tới và biến giấc mơ của họ thành hiện thực khi giúp họ nhìn thấy vẻ đẹp tráng lệ của hành tinh chúng ta từ bên trên, nhìn thấy những ngôi sao lấp lánh và cảm nhận tình trạng không trọng lượng tuyệt vời”.
Lúc đó, ông Branson dự báo công ty của mình có thể đưa 5 người vào vũ trụ cùng chuyến với chi phí chỉ 200.000 USD và cho rằng có cả nghìn người sẽ lên được vũ trụ trong những năm sắp tới.
Năm 2019, Virgin Galactic trở thành công ty du lịch vũ trụ đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán. Vào tháng 6 năm đó, Virgin Galactic nhận giấy phép vận hành đầu tiên từ Cục Hàng không Liên bang, có nghĩa là được phép nhận tiền để đưa hành khách lên vũ trụ. Ông Branson cũng ra mắt Virgin Orbit, công ty chuyên phóng vệ tinh mà SpaceX cũng đang cạnh tranh trong lĩnh vực này.
Phóng sự của CBSNews về chuyến bay vũ trụ của ông Branson:
Vụ phóng tàu đưa ông Branson và những người khác vào vũ trụ ngày 11/7 vừa qua đã giúp ông này và Virgin Galactic vượt mặt tỷ phú Bezos và công ty Blue Origin, trở thành người thường đầu tiên vào vũ trụ. Ông thông báo chuyến bay của mình vào ngày 11/7 chỉ vài tiếng sau khi ông Bezos thông báo sẽ cất cánh ngày 20/7. Công ty của ông Bezos cho rằng chuyến bay của Virgin Galactic chưa được coi là bay vào vũ trụ vì chưa vượt qua đường Karman được quốc tế công nhận.
Hành trình của Virgin Galactic tới du lịch vũ trụ thương mại cũng đã từng gặp nhiều trở ngại nghiêm trọng. Năm 2014, chuyến bay thử của tàu SpaceShipTwo gặp nạn, khiến cơ phó thiệt mạng và cơ trưởng bị thương nặng. Tập đoàn mẹ Virgin Group cũng gặp khó khăn về tài chính trong đại dịch COVID-19.
Nỗ lực vận hành các chuyến bay vào vũ trụ cũng đặt ra bài toán lợi nhuận. Không có nhiều người đủ tiền cho chuyến bay vũ trụ. Nếu muốn nhân rộng thì phải giảm chi phí nhưng lại rất khó giảm chi phí.
Đầu tháng 7, ông Branson cho rằng có đủ nhu cầu cho ngành du lịch vũ trụ để ít nhất 20 công ty có thể cạnh tranh nhau. Đến nay, ít nhất 600 người đã đặt chỗ trong các chuyến bay tương lai của Virgin Galactic khi giá vé là 250.000 USD. Năm ngoái, Virgin Galactic cho rằng công ty này có thể thu về 1 tỷ USD/năm và thực hiện chuyến bay vũ trụ thường xuyên.
Mặc dù du lịch vũ trụ còn lâu mới phổ biến, nhưng ít nhất, sau ông Branson, tỷ phú Bezos sẽ bay vào vũ trụ ngày 20/7 tới trong 11 phút cùng hai người nữa. Công ty SpaceX cũng có kế hoạch thực hiện chuyến bay vũ trụ toàn người thường vào cuối năm nay.
Tới nay, mới chỉ vài trăm người vào vũ trụ, nhưng con số đó dường như sẽ sớm tăng nhanh chóng.