Moderna đề nghị Canada phê duyệt liều tiêm thứ ba vaccine phòng COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, hãng dược Moderna (Mỹ) đã nộp đơn đề nghị Bộ Y tế Canada phê duyệt liều tiêm thứ ba vaccine phòng COVID-19 của hãng.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 bên biểu tượng của Hãng dược phẩm Moderna. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện nay, một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Israel, đã phê duyệt hoặc thậm chí yêu cầu tiêm liều tăng cường vaccine COVID-19 cho phần lớn dân số. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa thống nhất về mức độ cần thiết của liều tiêm này.

Chủ tịch Moderna, ông Stephen Hoge nhấn mạnh "đã đến lúc cần một liều tiêm tăng cường để đạt được mức bảo vệ cao nhất có thể với xu hướng gia tăng (các ca nhiễm) hiện nay". Moderna cho biết liều tiêm tăng cường sẽ chứa 50 microgam thành phần hoạt tính - một nửa so với hai liều ban đầu. Điều này phù hợp với yêu cầu tương tự mà Moderna đã trình lên Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA).

Bộ Y tế Canada sẽ xem xét đơn đề nghị của Moderna và quyết định có chấp thuận tiêm mũi tăng cường hay không và với những điều kiện nào. Không có mốc thời gian quy định cho tiến trình xét duyệt này.

Nhiều nhà khoa học Canada vẫn hoài nghi về việc một người bình thường sẽ sớm cần đến mũi tiêm tăng cường. Tiến sĩ Gaston De Serres thuộc Viện Y tế công cộng Quebec cho biết: “Tôi nghĩ rằng cần phải tiêm liều tăng cường khi khả năng bảo vệ suy giảm. Nhưng trong dữ liệu của chúng tôi tại thời điểm này, khả năng bảo vệ không bị suy giảm nhiều".

Tiến sĩ Danuta Skowronski,Trưởng nhóm dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh British Columbia, cho biết tất cả các sản phẩm (vaccine) đều hoạt động rất tốt, khả năng bảo vệ vẫn “vượt trội” ngay cả với biến thể Delta.

Thêm liều thứ ba cũng có thể mang lại một số rủi ro. Cả hai loại vaccine theo công nghệ mRNA đều có liên quan đến nguy cơ viêm màng ngoài tim/viêm cơ tim, đặc biệt là ở nam giới trẻ tuổi. Nhưng rủi ro với vaccine của hãng Moderna cao hơn so với hãng Pfizer/BioNTech. Mặc dù khả năng xảy ra tác dụng phụ này tương đối hiếm, tỉnh Ontario hiện khuyến cáo những người từ 18-24 tuổi nên tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTch thay thế.

Ông Hoge cho biết hãng Moderna không chắc liệu nguy cơ viêm cơ tim có tăng lên khi tiêm liều tăng cường hay không vì những sự cố này cực kỳ hiếm gặp, không hiển thị trong các nghiên cứu lâm sàng của hãng.

Theo thống kê của Cơ quan Y tế công cộng Canada, hơn 4 triệu người dân nước này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine của Moderna.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, Ủy ban Tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada (NACI) đã khuyến nghị tiêm liều thứ ba vaccine phòng COVID-19 cho một số người bị suy giảm miễn dịch, nhưng vẫn chưa quyết định về việc có nên tiêm liều bổ sung trên diện rộng hay không.

Theo các khuyến nghị mới của NACI, những người bị suy giảm miễn dịch từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng nên được chủng ngừa ba liều vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA, gồm vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech và Moderna. Tiến sĩ Shelley Deeks, Chủ tịch của NACI, giải thích: “Đối với các nhóm bị suy giảm miễn dịch, chúng tôi thường đề xuất lịch tiêm chủng khác (so với người khỏe mạnh), để giúp các đối tượng này được bảo vệ tốt hơn. Điều này khác với liều tăng cường - vốn được sử dụng để tăng cường phản ứng miễn dịch bị suy yếu theo thời gian".

Trước đó, ngày 4/10, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã chính thức phê chuẩn tiêm mũi tăng cường (mũi thứ 3) vaccine phòng COVID-19 của hãng  Pfizer/BioNTech cho người từ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, cơ quan này cũng nhất trí rằng liều tăng cường vaccine của hãng Moderna và Pfizer/BioNTech là cần thiết đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm.

Hương Giang (TTXVN)
Tây Ban Nha, Maroc triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường 
Tây Ban Nha, Maroc triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường 

Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 5/10 thông báo sẽ triển khai tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường cho những người trên 70 tuổi. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN