Thông tin này được tờ Dailybeast (Mỹ) đăng tải ngày 8/12, dẫn báo cáo của Cơ quan An toàn Giao thông Australia (ATBS) – đầu mối chỉ đạo chiến dịch tìm kiếm chiếc MH370, được hoàn tất vào tuần trước. Đây là một báo cáo rất dài, với nhiều dữ liệu chi tiết, giúp củng cố thêm niềm tin rằng chiến dịch tìm kiếm hiện nay ở Ấn Độ Dương là đúng hướng và có cơ hội thành công.
MH370 mất tích vẫn còn rất nhiều bí ẩn. Ảnh: ibtimes |
Báo cáo nhận định, phi hành đoàn MH370 bất ngờ phải đối mặt với tình huống nguồn điện chập chờn, dẫn đến việc nhiều hệ thống thiết yếu trên máy bay ngừng hoạt động, buộc họ phải xem xét và xử lý hỏng hóc. Trước thời điểm sập nguồn, các phi công vẫn duy trì liên hệ thường xuyên với trung tâm kiểm soát không lưu, máy bay di chuyển theo chế độ tự động. Liền sau đó, người ta không còn nghe thấy bất kì lời nói nào từ các phi công. Hai hệ thống báo cáo tự động cùng với bộ tiếp sóng (transponder) tiếp tục gửi dữ liệu báo vị trí tọa độ; một hệ thống thông báo thông số tình trạng hoạt động của các bộ phận thiết yếu của máy bay vẫn hoạt động nửa giờ sau khi 2 hệ thống kia dừng chạy. Đây là lần đầu tiên một cơ quan điều tra cho công bố chính thức lý do dẫn đến thảm kịch của MH370 theo một kịch bản đã được đồn đoán trước đó – sự cố nguồn điện là nguyên nhân làm các hệ thống trên máy bay ngừng hoạt động.
MH370 khởi hành từ Kuala Lumpur, Malaysia, lúc 12h42 (giờ địa phương) ngày 8/3/2014. Theo lịch trình, máy bay hạ cánh xuống Bắc Kinh sau hành trình bay dài khoảng 5-5,5 tiếng. Tuy nhiên, MH370 đã nằm lại đâu đó ở Nam Ấn Độ Dương sau quãng đường bay kéo dài 7h38 phút, tạo ra bí ẩn lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử ngành hàng không thế giới. Lần tiếp xúc cuối cùng của phi hành đoàn MH370 với trung tâm kiểm soát không lưu là ở phút thứ 37 sau khi cất cánh, với việc cơ trưởng đánh tín hiệu “Chúc ngủ ngon. Malaysia 370”. Hai phút sau, máy bay biến khỏi màn hình radar.
Báo cáo của ATBS không khẳng định đích xác sự cố về nguồn điện xảy ra tại thời điểm nào, chỉ đề cập khái quát là trong thời hạn 56 phút - là quãng thời gian tính từ khi hệ thống truyền tin, báo cáo hỗ trợ phi công (ACARS) gửi thông báo lần cuối theo quy trình đến khi các hoa tiêu không thể kết nối được với phi hành đoàn. Tuy nhiên, tài liệu lại đánh giá khá chắc chắn về mức độ hỏng hóc này, với việc ít nhất một hệ thống sau đó đã được cấp điện trở lại và tiếp tục hoạt động. 21 phút sau khi hoa tiêu cố tìm cách liên lạc với phi công, MH370 vẫn còn phát đi các tín hiệu điện tử “ping” lên vệ tinh; Công ty Inmarsat có trụ sở ở London ghi nhận 7 tín hiệu như vậy.
Vậy đâu là nguyên nhân đưa tới sự cố mất điện? ATBS nêu 4 khả năng sau. Một là, đã có hỏng hóc bất ngờ đối với hệ thống nguồn điện phụ (APU) trên máy bay, khiến nó vận hành chế độ khôi phục nguồn điện khẩn cấp. Hai là, xuất phát từ hành động ấn nút công tắc phía trên đầu phi công trong khoang lái. Một ai đó đi vào khu vực Thiết bị Trung tâm (MEC) ở phần bụng máy bay, rút cầu chì và sau đó khởi động lại là khả năng thứ 3. Cuối cùng, đó là hỏng hóc kĩ thuật kiểu chập chờn. Tựu trung lại, chỉ có 2 kịch bản: Đã có sự can thiệp có chủ đích của yếu tố con người (can thiệp vào cầu chì, mạch điện) hay là sự cố bất chợt kĩ thuật nhưng rồi hệ thống dự phòng đã có thể phục hồi, dù chỉ là một phần.
Nó cũng giúp loại bỏ đi một trong những giải thuyết từng được xem là thuyết phục nhất – phi công đã chủ ý phá hoại. Các chuyên gia hàng không nhận định, không hề có chuyện cơ trưởng hay cơ phó tắt transponder và thiết bị này không hoạt động là do hệ thống điện hay hỏng hóc nào đó gây ra. Phi công cũng không rời khỏi ghế, lật tấm ván sàn để xuống khu MEC tắt cầu chì, đơn giản là bởi hầu như họ còn chẳng biết nó nằm ở đâu giữa một mạng lưới chằng chịt các thiết bị.
Theo Dailybeast, báo cáo của ATBS củng cố thêm giả thuyết MH370 đã gặp phải hội chứng “Zombie Flight”: Do hỏng hóc nặng, buộc phải thay đổi hành trình và rồi “bay vào” một vùng vô định nào đó ở Ấn Độ Dương mà phi hành đoàn chẳng thể làm gì để can thiệp vì cạn nhiên liệu.