Theo kế hoạch có tựa đề "Bình thường mới" được Bộ Kinh tế Mexico công bố, việc dỡ bỏ các hạn chế chia thành 3 giai đoạn. Theo đó, các địa phương không có ca nhiễm mới hoặc số ca nhiễm mới thấp sẽ triển khai việc nới lỏng giai đoạn 1. Tiếp đó, giai đoạn 2 triển khai từ ngày 18/5-31/5, sẽ cho phép nhiều ngành khôi phục hoạt động như ngành xây dựng, khai thác mỏ và sản xuất ô tô. Giai đoạn 3, diễn ra từ ngày 1/6, sẽ được triển khai thực hiện với mức độ đánh giá biểu thị qua màu sắc của hệ thông đèn tín hiệu Đỏ, Cam, Vàng, Xanh. Các trường học chỉ được phép mở cửa đón học sinh tới trường khi hệ thống chuyển sang màu Xanh.
Bộ trưởng Kinh tế Mexico khẳng định việc triển khai kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cần đảm bảo thực hiện song song với các hướng dẫn y tế nhằm tránh dịch bệnh bùng phát trở lại.
Mexico công bố kế hoạch trên trong bối cảnh nước này đang trong giai đoạn đỉnh dịch. Phóng viên TTXVN tại Mexico ngày 13/5 dẫn báo cáo Bộ Y tế nước này cho biết, trong 24 giờ qua, Mexico ghi nhận thêm 1.862 ca nhiễm và 294 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm hiện lên tới 40.186 ca bao gồm 4.220 ca tử vong. Nhằm đảm bảo công tác phòng-chống dịch, Chính phủ Mexico huy động cả đội ngũ bác sĩ và y tá đã nghỉ hưu, cũng như tiếp tục triển khai các hợp đồng mua vật tư, thiết bị y tế.
Liên quan tới đại dịch COVID-19 trong khu vực Trung Mỹ, tổng số ca nhiễm tại Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador đã lên đến 13.914 ca, trong đó có 427 ca tử vong.
Cũng trong ngày 13/5, các y bác sĩ Peru đã tổ chức biểu tình tại một số thành phố để phản đối môi trường thiếu an toàn tại các bệnh viện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã lây lan mạnh tại quốc gia Nam Mỹ này.
Đại diện của giới y bác sĩ Peru yêu cầu cần có sự thay đổi trong lãnh đạo của cơ quan an sinh xã hội và Bộ Y tế nước này do những yếu kém trong công tác quản lý, cũng như phân bổ nguồn lực cho các bệnh viện.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu tháng 3 đến nay, các bệnh viện tại Peru bị cho là một nguồn lây nhiễm do thiếu các điều kiện vệ sinh dịch tễ khiến nhiều cán bộ nhân viên làm việc tại đây bị nhiễm bệnh, trong đó có hơn 30 nhân viên y tế đã tử vong.
Peru là nước có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ hai Mỹ Latinh, sau Brazil, với hơn 72.000 ca, trong đó có hơn 2.000 người đã tử vong.