Máy bay chở phái đoàn Syria gặp 'sự cố tiếp nhiên liệu'

Đài truyền hình Syria ngày 21/1 đưa tin chiếc máy bay chở phái đoàn đàm phán của nước này tới Thụy Sĩ dự Hội nghị quốc tế về hòa bình Syria lần thứ hai, còn được gọi là hội nghị Geneva II, đã không được tiếp nhiên liệu trong 5 tiếng sau khi đáp xuống sân bay ở thủ đô Athens của Hy Lạp. 


Nguồn tin cho biết, chiếc máy bay nói trên đã buộc phải lưu lại sân bay Athens trong 5 tiếng đồng hồ mặc dù trước đó đã được cấp phép bay qua không phận nước này và đáp xuống Athens để tiếp nhiên liệu. Trong khi đó, người phát ngôn của sân bay trên cho biết bộ phận không lưu không nhận được thông tin về chuyến bay và phải tiến hành các thủ tục kiểm tra cần thiết trước khi tiến hành tiếp liệu. 


Máy bay chở phái đoàn Syria cất cánh khỏi sân bay quốc tế Athens. Ảnh: RT


Theo thông báo mới nhất, hiện máy bay chở phái đoàn đàm phán Syria đã rời Athens để đến Thụy Sĩ tham dự Hội nghị Geneva II. Hội nghị sẽ có sự tham gia của đại diện đến từ hơn 40 nước và tổ chức quốc tế, khởi động từ ngày 22/1 với một cuộc họp cấp Ngoại trưởng do Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-mun (Ban Ki Mun) chủ trì. Cuộc đàm phán chính thức sẽ được tiến hành hai ngày sau đó tại Geneva dưới sự chủ trì của Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arab về vấn đề Syria, ông Lakhdar Brahimi.


Trong khi đó, vấn đề mời Iran tham dự hội nghị Geneva II tiếp tục gây tranh cãi nảy lửa giữa các bên. Trong phản ứng mới nhất sau khi LHQ tút lại lời mời Iran tới hội nghị với lý do nước này không chấp thuận các nội dung đạt được tại Hội nghị Geneva I tháng 6/2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Marzieh Afkham (Ma-ri-ê Áp-kham) đã bày tỏ làm tiếc trước quyết định này và yêu cầu Tổng thư ký Ban Ki-moon phải đưa ra giải thích rõ ràng. Bà Marzieh Afkham khẳng định Iran chưa bao giờ yêu cầu được mời tới dự hội nghị và việc Tổng thư ký Ban Ki-moon phải rút lại lời mời là do chịu sức ép.


Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho rằng khả năng thành công của Hội nghị Geneva II sẽ không cao nếu không có sự tham gia đầy đủ của các bên. Ông khẳng định hội nghị sẽ không thể tìm ra giải pháp toàn diện cho vấn đề Syria nếu không có sự tham gia của Nhà nước Hồi giáo Iran. 


Cùng ngày 21/1, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra cảnh báo tại thủ đô Ankara, thành phố Istanbul và tỉnh Hatay ở miền Nam về nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố từ một nhóm có quan hệ với mạng lưới al-Qaeda. Thông tin tình báo cho biết 20 phiến quân thuộc "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông" (ISIL) đang lên kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công nhằm cản trở hội nghị Geneva II với mục tiêu là các khách sạn hay phòng hội nghị nơi các thành viên đàm phán đang ở. 


Ngoài việc đưa ra cảnh báo trên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cho đóng cửa khẩu Oncupinar ở tỉnh Kilis do lo ngại các cuộc giao tranh đang diễn ra giữa các tay súng có liên quan với al-Qaeda với một nhóm nổi dậy của Syria. Nhiều biện pháp an ninh cũng được tăng cường tại biên giới sau khi các vụ đụng độ ở làng Azez của Syria lan qua biên giới sang phần lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó hôm 20/1, ít nhất 10 người đã thiệt mạng và hơn một chục người bị thương trong hai vụ đánh bom xe gần cửa khẩu biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.



TTXVN/Tin Tức

Chính sách ‘bên miệng hố chiến tranh’ phủ bóng lên Geneva 2
Chính sách ‘bên miệng hố chiến tranh’ phủ bóng lên Geneva 2

Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” áp dụng đối với cả người tham dự Geneva 2 lẫn vấn đề mà hội nghị bàn tới đã phủ bóng lên ngay cả những hy vọng khiêm tốn nhất về kết quả của hội nghị này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN