Mâu thuẫn gia tăng giữa Mỹ và các đồng minh

Căng thẳng đang tiếp tục dâng cao giữa Mỹ với các quốc gia đồng minh liên quan đến vụ bê bối nghe lén điện thoại của hệ thống tình báo Mỹ khi không chỉ Pháp và Mexico mà cả Đức và Brazil cũng bày tỏ bất bình với Washington.

Phát biểu tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 22/10, Ngoại trưởng Mexico Jose Antonio Meade cho biết theo chỉ thị của Tổng thống Enrique Pena Nieto, ông sẽ triệu Đại sứ Mỹ Anthony Wayne để làm rõ các cáo buộc rằng Mỹ từng do thám thư điện tử của cựu Tổng thống Felipe Calderon trong thời gian ông còn cầm quyền.

Toàn cảnh Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ tại Fort Meade, Maryland. Ảnh: AFP/TTXVN


Bộ trưởng Nội vụ Mexico Miguel Angel Osorio Chong cũng xác nhận đã ra lệnh mở một cuộc điều tra về các cáo buộc nhằm vào hoạt động do thám của Mỹ, trong đó có cả hành vi do thám thư điện tử và nghe lén các cuộc thoại, tin nhắn của ứng cử viên Tổng thống Enrique Pena Nieto trước khi ông đắc cử. Theo Bộ trưởng Osorio Chong, cơ quan tình báo CISEN và cảnh sát liên bang của Mexico sẽ tiến hành điều tra “thấu đáo” để xem liệu hoạt động do thám trên có được tiến hành hay không và có sự dính líu của bất kỳ quan chức Mexico nào không.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết đã nói rõ với người đồng cấp Mỹ John Kerry rằng việc do thám các đồng minh là “không thể chấp nhận được”. Ông cũng đã yêu cầu Ngoại trưởng Kerry cung cấp kịp thời các chi tiết và những thông tin liên quan đến việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) bí mật giám sát hàng chục triệu cuộc điện thoại tại Pháp. Tuy nhiên, Paris sẽ không đẩy mâu thuẫn với Washington lên đỉnh điểm mà vẫn duy trì quan hệ mật thiết và chặt chẽ với Mỹ, cũng như với các đối tác và các đồng minh khác.

Trước đó, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã hủy chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ sau khi cựu điệp viên CIA Edward Snowden tiết lộ Mỹ đã cài máy nghe trộm điện thoại giữa bà với các phụ tá, xâm nhập hệ thống mạng máy tính của công ty dầu mỏ quốc gia và lấy cắp dữ liệu từ thư điện tử cùng các cuộc điện thoại tại quốc gia này.

Tại Đức, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel cũng đã hủy bỏ một thỏa thuận giám sát có từ thời Chiến tranh Lạnh sau khi Mỹ bị cáo buộc theo dõi các đường dây thông tin liên lạc ở châu Âu.

Trước những cáo buộc và phản ứng tức giận của cộng đồng quốc tế, chính phủ Mỹ đã tìm cách xoa dịu căng thẳng và biện hộ cho hành động do thám trên diện rộng của mình. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande ngay sau khi tờ báo Le Monde của Pháp đăng tải thông tin về hoạt động do thám của Mỹ đối với 70 triệu cuộc gọi thoại của công dân Pháp từ 10/12/2012 tới 8/1/2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sẽ xem xét lại toàn diện các chương trình do thám của Mỹ.

Trong khi đó, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho rằng các thông tin đăng trên tờ Le Monde "chứa những thông tin không chính xác và sai lệnh". Trong thông báo gửi qua thư điện tử, ông Clapper còn khẳng định cáo buộc về NSA trên Le Monde là "giả mạo". Ông Clapper từ chối thảo luận chi tiết về hoạt động của NSA mà chỉ nhấn mạnh rằng "Mỹ tiến hành hoạt động thu thập tin tức theo phương thức mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều áp dụng để bảo vệ đất nước, lợi ích quốc gia và các đồng minh khỏi các mối đe dọa như khủng bố hay phổ biến vũ khí hủy diệt lớn.

Tranh cãi cũng nổ ra khi nhân viên tình báo các nước cáo buộc lẫn nhau về hoạt động do thám ở nước ngoài. Cựu điệp viên CIA Bob Baer từng có ba năm hoạt động ở Paris nói rằng cơ quan tình báo Pháp cũng thường xuyên do thám công dân Mỹ, kể cả các nhà ngoại giao và doanh nhân. Cựu điệp viên CIA này nói rằng các nhân viên tình báo Pháp thậm chí còn xâm nhập các phòng khách sạn, cài đặt thiết bị nghe lén tại các ghế hạng nhất trên máy bay để nghe trộm các cuộc đối thoại của người Mỹ.

Đáp lại, một cựu giám đốc tình báo Pháp xác nhận đã thu được một bộ hồ sơ mật nêu chi tiết về việc các công ty Mỹ và Nga đưa ra các đề nghị độc quyền để cạnh tranh với một công ty Pháp trong vụ đấu thầu một hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ấn Độ trị giá 1 tỷ USD. Báo Le Monde cho rằng trong khi các hoạt động do thám lẫn nhau giữa giới tình báo và các hoạt động công ty được coi là thường xuyên thì các công dân Pháp vô tình cũng đã bị cuốn vào sự giám sát của tình báo Mỹ.


TTXVN/Tin tức
Bê bối nghe lén của Mỹ tiếp tục bị phanh phui
Bê bối nghe lén của Mỹ tiếp tục bị phanh phui

Nước Mỹ có nguy cơ bị rơi vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao trên diện rộng sau khi Glenn Greenwald, cựu phóng viên tờ "Guardian", vừa tiết lộ thêm tất cả các quốc gia Mỹ Latinh đều bị hệ thống tình báo Mỹ giám sát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN