Người dân xung quanh Pama, một thị trấn Tây Phi bên rìa các khu bảo tồn rừng rộng lớn, từ lâu bị chính quyền cấm đào vàng trong khu bảo tồn, để bảo vệ linh dương, trâu và voi rừng.
Nhưng vào giữa năm 2018, những người đàn ông quấn khăn turban trên đầu đã thay đổi luật lệ ở đây. Họ đeo súng trường, cưỡi mô tô và xe tải đến, khiến binh sĩ chính phủ và lực lượng kiểm lâm phải tháo chạy khỏi khu vực biên giới Đông Burkinia Faso giáp Sahel, một vành đai của vùng phía Nam sa mạc Sahara.
Theo hãng tin Reuters, những người đàn ông vũ trang tuyên bố cư dân có thể khai thác vàng trong khu bảo tồn nhưng có điều kiện. Họ phải cho chúng một phần vàng đào được cũng như bán lại. “Chúng tôi gọi họ là chủ nhân” một thợ đào vàng tên Trahore làm việc tại mỏ Kabonga, gần Pama cho biết.
Các điểm đào vàng quanh Pama không phải là cá biệt. Các nhóm thánh chiến liên kết với các mạng lưới khủng bố al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, sau khi mất đất ở Trung Đông, đang tràn đến châu Phi, khai thác các mỏ vàng trên khắp khu vực.
Hãng tin Reuters đã phỏng vấn hàng chục thợ mỏ, người dân, quan chức chish quyền và an ninh để điều tra về tình trạng này.
Bên cạnh việc tấn công vào các hoạt động công nghiệp, hai trong số các thế lực cực đoan đáng sợ nhất thế giới đang buôn bán lượng vàng trị giá 2 tỷ USD ở Burkina Faso, Mali và Nigeria - một dòng chảy phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước. Các mỏ vàng vừa là nơi ẩn náu vừa là một kho báu, một nguồn cung cấp tài chính để chúng chiêu nạp thành viên mới và mua vũ khí, chất nổ và kíp nổ cho các vụ tấn công.
Là một đất nước nghèo chủ yếu là nông dân tự cung tự cấp, Burkina Faso trong những năm gần đây đã trở thành tâm điểm chiến dịch nổi loạn của phiến quân địa phương và các nhóm thánh chiến khu vực. Bạo lực đã giết chết hàng trăm người, trong đó có ít nhất 39 công nhân mỏ vàng bị phục kích hồi đầu tháng này.
Thật khó để nói rằng các mỏ khai thác được bao nhiêu vàng hoặc chính xác ai đang kiểm soát chúng nhưng số tiền từ đó là rất lớn. Năm 2018, các quan chức Chính phủ Burkina Faso đã tiếp cận chỉ 24 địa điểm gần nơi xảy ra các cuộc tấn công và ước tính những nơi này sản xuất tổng cộng 727 kg vàng mỗi năm - trị giá khoảng 34 triệu USD.
Chính phủ cho biết hầu hết vàng sản xuất lậu ở Burkina Faso được nhập lậu sang các nước láng giềng, đặc biệt là Togo, để tránh thuế xuất khẩu. Từ đó, nó được chuyển đến các nhà máy tinh chế trước khi xuất sang các nước như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Ấn Độ và trở thành vàng “sạch”.
Những tổ chức cực đoan đã mở rộng phạm vi kiểm soát của chúng và tăng cường khả năng tạo nguồn thu nhập thông qua vàng - trong khi vai trò của nhà nước gần như bất lực, ông William Linder, cựu sĩ quan Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), phục vụ ở Tây Phi nhận xét.
Thất bại trong việc ngăn chặn tình trạng này đang giúp lan truyền cuộc khủng hoảng ở Sahel. Tại Mali, giới chức Mỹ báo cáo rằng phiến quân đánh thuế buôn bán vàng ở thị trấn phía bắc Kidal, và ở Nigeria, phiến quân Hồi giáo đòi ăn chia một phần vàng được sản xuất ở miền Tây.
Vàng từ lâu đã là một mặt hàng lý tưởng cho phiến quân: Nó giữ giá và được chấp nhận rộng rãi như là thứ thay thế cho tiền tệ ở nhiều vùng của châu Phi, Trung Đông và châu Á; và một khi đã được tinh chế, vàng có thể dễ dàng được nấu chảy và nhập lậu.
Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các mỏ không chính thức ở Burkina Faso, Mali và Nigeria sản xuất khoảng 50 tấn vàng, trị giá 2 tỷ USD mỗi năm. Trong số này, các công ty khai thác quy mô nhỏ ở Burkina Faso sản xuất khoảng 15-20 tấn vàng mỗi năm, trị giá từ 720 triệu đến 960 triệu USD, theo ước tính của chính phủ và OECD.
Năm 2018, Burkina Faso ghi nhận xuất khẩu vàng chính thức chỉ khoảng 300 kg từ các mỏ quy mô nhỏ - chiếm khoảng 1,5% đến 2% sản lượng ước tính của đất nước - cho thấy quy mô lớn của hoạt động buôn lậu
Một vấn đề gây trở ngại là ở Burkina Faso cũng như những nơi khác là các nhóm thánh chiến rất giỏi khai thác sự bất bình của người địa phương để thu phục dân chúng. Ở một quốc gia có thu nhập hàng năm chỉ là 660 USD/người, các nỗ lực của chính phủ nhằm đóng cửa mỏ vàng của thợ đào cá nhân - cho dù để bảo tồn hoặc để mở đường cho các doanh nghiệp lớn - là không hiệu quả.
Tại khu mỏ Ouargaye ở phía Đông Nam Burkina Faso, các thợ mỏ nói rằng phiến quân Hồi giáo đến đây giống như cảnh sát địa phương, buộc người đào vàng trái phép phải hối lộ cho chúng. Những kẻ cực đoan vũ trang lẩn trốn giữa những người đào vàng. Chúng áp đặt luật rừng và đe dọa sẽ giết bất cứ ai hé lộ về sự hiện diện của chúng.
Đi về phía Nam, tại thị trấn Bartiebougou, một thợ mỏ cho hay, “những tay súng cực đoan trang bị vũ khí hạng nặng hơn cả binh lính. Chúng kiểm soát tất cả".
Chính phủ Burkina Faso đã tìm cách đối phó với tình trạng này. Nhưng hơn 500 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan đến các nhóm thánh chiến trong khu vực chỉ từ tháng 6 năm nay. Và tính đến tháng 9, các tay súng Hồi giáo đã chiếm ít nhất 15 mỏ vàng ở miền Đông đất nước, kiểm soát trực tiếp hoạt động sản xuất và mua bán.