Hoàn cảnh đưa đẩy
Pakistan đang đối mặt với khó khăn chồng chất khó khăn khi số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trong làn sóng dịch thứ ba, các bệnh viện quá tải và chương trình tiêm vaccine của chính phủ có tiến triển chậm do trì hoãn trong vận chuyển và hạn chế nguồn cung.
Pakistan đã thông qua một số vaccine dùng khẩn cấp, trong đó có 3 vaccine của Trung Quốc, Sputnik V của Nga và vaccine Oxford-AstraZeneca. Đến nay Pakistan phần lớn dựa vào quyên góp từ quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc đã cấp hơn 1 triệu liều Sinopharm. Pakistan dự định nhập khẩu thêm 3 triệu liều vaccine CanSinoBio của Trung Quốc trong tháng 4 này.
Gần đây Nga cũng tuyên bố sẽ cung cấp cho Pakistan 150.000 liều vaccine Sputnik V. Hiện chưa rõ vaccine Sputnik V và CanSinoBio được cấp qua việc mua bán hay trao tặng.
Ngoài ra, Pakistan cũng đang đợi chờ hơn 17 triệu liều vaccine thuộc COVAX - chương trình đảm bảo phân phối vaccine phòng COVID-19 toàn cầu-do Liên minh Toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI) phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hình thành.
Nhưng chương trình COVAX có nhiều gián đoạn trong khi vaccine từ Nga và Trung Quốc đến khá chậm do vậy chính phủ Pakistan quyết định cho phép lĩnh vực tư nhân bước vào phân phối vaccine COVID-19.
Một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất là công ty dược tư nhân AGP Pharma đã thu mua 50.000 liều vaccine Sputnik V. Nhiều công ty và bệnh viện tư khác tại Pakistan cũng rục rịch đăng ký đặt đơn.
Các công ty và bệnh viện tư nhân phải điền đơn đăng ký với Cơ quan quản lý dược Pakistan (DRAP) để nhận chứng nhận cho phép họ nhập khẩu và bán vaccine COVID-19. Có một số quy định đi kèm bao gồm cấm bán vaccine cho thị trường bán lẻ, phòng khám tư nhân chỉ được phép bán và tiêm vaccine dưới sự giám sát của các chuyên gia y tế. Ngoài ra, đơn vị y tế địa phương sẽ chịu trách nhiệm đánh giá các phòng khám tư nhân có ý muốn bán vaccine COVID-19.
Trong tuần đầu tháng 4, việc bán vaccine COVID-19 của Nga Sputnik V khiến hàng loạt người dân Pakistan đổ về các trung tâm tiêm chủng và xếp hàng trong nhiều tiếng đồng hồ. Một số trung tâm bán hết vaccine chỉ trong vài ngày. Nhiều trang đặt lịch tiêm bị tắc nghẽn.
Theo Bộ Y tế Pakistan, chính phủ nước này đã nhận 2,56 triệu liều vaccine, tất cả đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Kể từ tháng 2 đến nay, khoảng 1 triệu người Pakistan đã được tiêm vaccine COVID-19, chủ yếu là nhóm được ưu tiên gồm nhân viên y tế và người trên 50 tuổi. Như vậy, phần lớn trong dân số 238 triệu người dân Pakistan vẫn chờ đợi để được tiêm vaccine COVID-19.
Trong khi đó, vaccine do tư nhân bán lại không ưu tiên nhóm người cụ thể nào.
Cô Anushka Jatoi (35 tuổi) sau khi tiêm vaccine tại Karachi chia sẻ: “Thật tốt là vaccine được bán qua kênh tư nhân. Tôi và gia đình không biết sẽ phải chờ đến bao giờ mới được tiêm qua chương trình của chính phủ”.
Tranh cãi phát sinh
Nhưng việc bán vaccine qua kênh tư nhân cũng gây lo ngại về giá cả và khả năng tiếp cận, đồng thời hằn sâu thêm tình trạng mất cân bằng trong xã hội Pakistan. Hầu hết việc bán vaccine tư nhân được thực hiện tại các thành phố lớn như Karachi và Islamabad. Trong khi khu vực nông thôn vẫn khó tiếp cận.
Giá cả cũng là yếu tố gây khó khăn với phần đông dân số Pakistan. Theo Cơ quan quản lý dược Pakistan (DRAP), vaccine Sputnik V bán tại nước này hiện có giá 12.000 rupee Pakistan (80 USD) dành cho 2 liều. Mức giá này gấp 4 lần giá thị trường quốc tế khi chỉ niêm yết 20 USD cho 2 liều. Theo Cục Thống kê Pakistan, 80 USD tương đương 30% thu nhập trung bình tháng của hộ gia đình nước này vốn ở mức 273,2 USD.
Ban đầu, chính phủ Pakistan cho phép các công ty tư nhân tự ra mức giá họ muốn. Điều này đã gây ra tranh cãi. Cựu lãnh đạo Hiệp hội Y tế Pakistan-bác sĩ Tipu Sultan nhận định: “Việc bán vaccine như vậy là không công bằng và quá tồi tệ với cộng đồng. Chỉ có số ít người giàu có mua được vaccine trong khi phần lớn dân số thì không thể”.
Sau đó, chính phủ Pakistan đảo ngược quyết định và DRAP tuyên bố sẽ đặt mức giá trần. Hiện tại người dân Pakistan vẫn ở trong tư thế đợi chờ, đợi thêm vaccine về, đợi để đăng ký tiêm tại các cơ sở tư nhân và đợi chính phủ ra quyết định về một giá đối với vaccine.
Ngay cả những người được tiêm mũi đầu cũng lo lắng. Cô Jatoi chia sẻ: “Tôi sợ rằng không có đảm bảo chúng tôi sẽ có liều thứ hai. Nếu nguồn cung cạn kiệt thì sao? Có nhiều điều không chắc chắn”.
Trên thế giới chỉ có một vài quốc gia cho phép thương mại hóa vaccine COVID-19. Ấn Độ tạo điều kiện để một số cơ sở tư nhân phân phối vaccine nhưng giá do chính phủ quản lý. Colombia vào đầu tháng 4 bật đèn xanh để tư nhân nhập khẩu vaccine COVID-19 nhưng yêu cầu người tiêm sẽ không phải bỏ tiền mua.
Indonesia cũng thực hiện chương trình tiêm vaccine tư nhân trong đó các công ty có thể mua vaccine của nhà nước để dành cho nhân viên. Ngoài ra, Kenya cũng tạo điều kiện cho việc tư nhân bán vaccine nhưng đã ngừng quyết định này từ 2/4 do lo ngại vaccine giả.