Ngày 6/2, Chính phủ Maldives đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày do khủng hoảng chính trị. Theo tờ Los Angeles Times (Mỹ), Tổng thống Maldives Abdulla Yameen từ chối tuân theo lệnh của Tòa án Tối cao thả các tù nhân chính trị. Nhà lãnh đạo này đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.
Người biểu tình tại thủ đô Male yêu cầu chính phủ thả cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom. Ảnh: Reuters |
Lực lượng an ninh đã ập đến trụ sở Tòa án Tối cao Maldives và bắt giữ chánh án cùng thẩm phán. Sau đó, ba thẩm phán còn lại của Tòa án Tối cao đã bãi bỏ lệnh yêu cầu thả tù nhân chính trị. Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin Tổng thống Yameen đã phát biểu trên truyền hình khẳng định động thái của ông là nhằm ngăn chặn một cuộc đảo chính.
Tổng thống Yameen sau đó đã cử đoàn đại biểu tới Trung Quốc, Pakistan và Saudi Arabia để giải thích về tình hình đang diễn ra ở quốc gia này.
Trong khi đó, đối thủ đáng gờm nhất của Tổng thống Gayoom là cựu Tổng thống lưu vong Mohamed Nasheed lại mở lời trên mạng xã hội Twitter đề nghị Ấn Độ hỗ trợ để kết thúc cuộc khủng hoảng.
Theo tờ New York Times (Mỹ), Tổng thống Yameen đã rất thân thiện với Trung Quốc. Theo đó, ông Yameen mời Trung Quốc đầu tư vào Maldives. Kể từ năm 2013, quốc gia này đã nhận hàng trăm triệu USD đầu tư từ Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng…
Thủ đô Male tại Maldives. Ảnh: Reuters |
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho rằng Bắc Kinh nhìn nhận Maldives đóng vai trò then chốt trong dự án “Vành đai Con đường”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đến thăm Maldives trong năm 2014. Khi ông Yameen đến thăm Bắc Kinh tháng 12/2017, hai quốc gia đã ký thỏa thuận tự do thương mại loại bỏ hầu hết thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu từ Maldives, chủ yếu là hải sản.
Bên cạnh đó, Maldives sẽ mở cửa đối với hàng hóa và dịch vụ từ Trung Quốc trong các lĩnh vực như tài chính, y tế và du lịch. Lượng du khách Trung Quốc đến Maldives hàng năm khá đông. Ngoài ra, Bắc Kinh còn đầu tư hàng trăm triệu USD vào dự án mở rộng sân bay, bất động sản và nhiều dự án khác ở Maldives.
Chuyên gia Mahalakshmi Ganapathy tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) cho biết: “Cho đến năm 2011 Trung Quốc thậm chí chưa có Đại sứ quán tại Maldives. Năm 2018, Trung Quốc đã đóng vai lớn tại khu vực Ấn Độ Dương”.
Tuy nhiên, cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed bày tỏ lo lắng rằng việc tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc có thể khiến Maldives rơi vào “bẫy nợ”.
Tổng thống Maldives Abdulla Yameen. Ảnh: Reuters |
Về phần Ấn Độ, các quan chức quốc gia này đã thể hiện lo ngại trước tình hình tại Maldives nhưng vẫn duy trì phản ứng thận trọng. Đến nay Ấn Độ chưa công khai đáp lại lời kêu gọi từ cựu Tổng thống Maldives Nasheed.
Song vào ngày 16/2, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng Trung Quốc từng khẳng định Chính phủ Maldives có năng lực bảo vệ an toàn cho công dân và tổ chức của Trung Quốc tại Maldives. Chúng tôi hy vọng tất cả các quốc gia có thể đóng một vai trò xây dựng tại Maldives thay vì làm điều ngược lại”.
Trong năm 1988, Ấn Độ từng cử binh sĩ tới giải cứu Tổng thống Maldives khi đó là ông Maumoon Abdul Gayoom sau một cuộc đảo chính.