Sở hữu súng đạn: Người Mỹ khổ vì yêu

Người Mỹ yêu súng đạn, đó là sự thật. Tình yêu ấy có một lịch sử lâu đời và dần trở thành nét văn hóa gắn liền với quá trình hình thành Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Với nhiều thanh niên Mỹ, “món quà trong mơ” vào ngày sinh nhật 18 tuổi chính là một khẩu súng và các triển lãm súng đạn trên khắp “xứ sở cờ hoa” thì luôn “đông như hội”.

Người dân Mỹ hiện nay phần lớn không phải dân bản địa. Họ là những người gốc châu Âu, gốc Phi, gốc Á sang “tân thế giới” lập quốc gia mới. Yên ngựa và khẩu súng là những hình ảnh quá thân quen với nhiều thế hệ người Mỹ suốt chiều dài lịch sử 242 năm qua. Người Mỹ coi sở hữu súng là biểu hiện của một trái tim yêu nước, mang đậm bản sắc dân tộc và biểu tượng cho chủ nghĩa tự do.

Họ cũng coi sở hữu súng như một nhu cầu tất yếu vì sự an toàn của bản thân. Mỹ là một quốc gia liên bang với rất nhiều sắc tộc, tôn giáo, tỷ lệ người nhập cư, bất bình đẳng xã hội và tỷ lệ phạm tội cao... Dù có lực lượng thực thi pháp luật hùng hậu và chuyên nghiệp, song với diện tích 9,8 triệu km2 và dân số 324 triệu người, Mỹ vẫn là quốc gia “đất rộng, người thưa”. Chính vì vậy, nhiều người Mỹ coi khẩu súng là công cụ tự vệ hiệu quả số 1, rồi mới tới cảnh sát. Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng nếu như người Việt Nam chúng ta coi chiếc xe máy là phương tiện di chuyển cá nhân thiết yếu, thì người Mỹ cũng coi việc sở hữu ít nhất 1 khẩu súng là công cụ không thể thiếu vì an toàn của bản thân và gia đình.

Không chỉ yêu, người Mỹ còn tự hào khi tình yêu súng đạn của họ được Hiến pháp bảo vệ. Sở hữu súng là quyền cơ bản của người dân Mỹ được hiến định tại Tu chính án số 2 trong bản Hiến pháp năm 1791. Trong các quyền cơ bản của con người -  như quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc - thì người Mỹ đặc biệt coi trọng quyền được sống. Các nhà lập quốc Mỹ coi quyền tự vệ là hiện thân cao nhất của quyền được sống. Do vậy, Hiến pháp bảo vệ quyền sở hữu súng của người dân để phòng vệ.

Tuy nhiên, tình yêu nào cũng có cái giá của nó và tình yêu súng đạn đang khiến trái tim nhiều người Mỹ rơi lệ. Theo số liệu thống kê năm 2016, Mỹ sở hữu gần một nửa (48%) trên tổng số 650 triệu khẩu súng dân dụng ước tính trên thế giới. Trung bình, “tình yêu súng đạn” tại Mỹ cướp đi mạng sống của 89 người mỗi ngày và 32.000 người mỗi năm. Dư luận bàng hoàng hơn khi hung thủ máu lạnh trong các vụ xả súng đẫm máu đôi khi chỉ là những thanh niên 18-20.

Tổ chức Gun Violence Archive cho biết tính từ ngày 1/1/2017 đến ngày 1/3/2018, nước Mỹ đã chứng kiến 61.537 vụ bạo lực liên quan tới sung đạn, trong đó có 346 vụ xả súng hàng loạt khiến 15.594 người thiệt mạng. Hàng năm, bạo lực súng đạn ở Mỹ gây thiệt hại hơn 230 tỷ USD, trong đó 8,6 tỷ USD dùng để chi trả cho việc cầm tù dài hạn những người có khả năng tấn công và sát thương bằng súng, 221 tỷ USD để chữa trị và ổn định cuộc sống của các nạn nhân bị thương hoặc mai táng nạn nhân.

Sau mỗi vụ xả súng, truyền thông và dư luận Mỹ lại sôi sục, đau buồn. Người dân lại xuống đường tuần hành kêu gọi siết chặt quản lý súng đạn. Song những lời kêu gọi cũng nhanh chóng chìm đi theo thời gian và nỗi đau. Người ta đổ lỗi cho Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA), một thế lực vận động hành lang luôn có những hoạt động “sân sau” nhằm ngăn chặn Quốc hội Mỹ ban hành dự luật tăng cường kiểm soát súng đạn. Rồi người ta đổ lỗi cho các nghị sĩ bảo thủ của Đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, một tổ chức với ngân sách vận động hành lang khoảng 50 triệu USD/năm  như NRA liệu có đủ sức ngăn cản các nhà lập pháp Mỹ hành động vì sinh mạng của người dân? Hay trong những giai đoạn Đảng Dân chủ nắm toàn quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ (2006-2010), tại sao một dự luật siết chặt kiểm soát súng đạn vẫn là điều xa xỉ tại Đồi Capitol?

Điều đó cho thấy dường như nước Mỹ, người dân Mỹ chưa sẵn sàng cho một cuộc chia tay với tình yêu súng đạn. Theo kết quả thăm dò dư luận của nhóm “Angus Reid Public Opinion” vào năm 2016, có tới 85% người Mỹ ủng hộ giữ nguyên quyền hiến định về sở hữu và mang súng. Các nhà lập pháp Mỹ - bất kể Dân chủ hay Cộng hòa – đều không muốn đi ngược lại ý nguyện của cử tri các tiểu bang đại diện, những người trao cho họ tấm vé tới Đồi Capitol.

Lịch sử nước Mỹ đã chứng minh sở hữu súng đạn luôn là “gót chân Achilles” trên chính trường. Đây là vấn đề quá nhạy cảm và từng không ít lần làm thay đổi bản đồ chính trị nước Mỹ trong các kỳ bầu cử. Năm 1999, Phó Tổng thống của Đảng Dân chủ Al Gore dẫn đầu một nỗ lực vận động tại Thượng viện Mỹ nhằm thông qua một quy định hạn chế bán súng đạn tại các cuộc triển lãm, sau khi xảy ra vụ thảm sát Trường trung học Columbine. Hệ lụy là sự ủng hộ dành cho ông Al Gore tại một loạt bang làm nông nghiệp, nơi tỷ lệ người dân sở hữu súng rất cao, đã sụt giảm thê thảm và khiến ông thất bại trước ứng cử viên ít tên tuổi hơn vào thời điểm đó của Đảng Cộng hòa là Goerge W. Bush trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000.    

Người ta thường nói yêu là phải biết chấp nhận đau thương. Nước Mỹ vẫn hàng ngày nhói đau vì bạo lực súng đạn. Tuy nhiên, chừng nào người dân Mỹ còn chưa dám chấp nhận một cuộc chia ly - dù có nhớ nhung, khắc khoải – với tình yêu súng đạn, thì nỗi đau sẽ còn kéo dài và vấn nạn xả súng vẫn còn tiếp diễn tại “xứ sở cờ hoa”.   

Thanh Tuấn
Tổng thống Mỹ kêu gọi thúc đẩy dự luật kiểm soát súng đạn
Tổng thống Mỹ kêu gọi thúc đẩy dự luật kiểm soát súng đạn

Ngày 28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi các nhà lập pháp hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thúc đẩy một dự luật kiểm soát súng đạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN