Malaysia thực hiện nhiều sáng kiến đẩy mạnh công tác tiêm chủng 

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, ngày 12/6, Bộ Thương mại và công nghiệp quốc tế Malaysia (Miti) cho biết chính phủ nước này chuẩn bị thực hiện sáng kiến có tên gọi Chương trình Tiêm chủng ngừa COVID-19 trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (PIKAS).

Chú thích ảnh
Người dân chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 31/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thông báo của Miti nêu rõ chương trình trên sẽ được triển khai vào ngày 16/6 tới và được khởi động như "Giai đoạn 4" của Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 (NIP). Miti đồng thời nhấn mạnh rằng việc tham gia sẽ là tự nguyện đối với các công ty và nhân viên.

NIP hiện có 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 của chương trình với kế hoạch tiêm cho người trưởng thành đang bị trì hoãn.

Miti đã được giao nhiệm vụ điều phối việc tiêm chủng cho công nhân trong lĩnh vực sản xuất và một số bộ khác cũng sẽ chịu trách nhiệm tiêm chủng cho nhân viên trong lĩnh vực tương ứng của mình.

Bộ trưởng Miti - ông Mohamed Azmin Ali cho biết chính phủ cam kết đảm bảo mọi nhân viên sẽ được tiêm vaccine miễn phí theo PIKAS, được lĩnh vực tư nhân hỗ trợ trong việc quản lý vaccine sử dụng các cơ sở y tế tư nhân và được triển khai trên toàn quốc, bao gồm cả triển khai tiêm tại nhà máy và địa điểm công nghiệp được chỉ định.

Các công ty thuộc phân ngành sản xuất quan trọng như điện và điện tử, chế biến thực phẩm, sắt thép, thiết bị y tế, thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), dầu khí và các sản phẩm cao su sẽ được ưu tiên tiêm phòng. Theo ông, những lĩnh vực này rất quan trọng trong hỗ trợ chuỗi cung ứng các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu cũng như xây dựng, bảo trì và vận hành trơn tru các cơ sở hạ tầng quan trọng gồm các tiện ích và hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 

Theo Bộ trưởng Mohamed Azmin Ali, ưu tiên tiêm chủng của các công ty sẽ dựa trên một số yếu tố như vị trí của công ty trong "vùng đỏ COVID-19" và họ sẽ phải tuân theo các điều khoản và điều kiện bao gồm việc nhân viên phải đăng ký trên phần mềm MySejahtera theo quy định của NIP.

Cũng trong ngày 12/6, Bộ Nhà ở và chính quyền địa phương Malaysia đã thành lập trung tâm liên lạc để kết nối với những cá nhân không đến điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 như đã hẹn. 

Theo Bộ trưởng bộ trên, bà Zuraida Kamaruddin, sáng kiến này do bộ này kết hợp với Bộ Đoàn kết quốc gia và Trung tâm Viễn thông quốc gia triển khai thí điểm từ ngày 8/6 tại Trung tâm Tiêm chủng Kampung Ampang (thuộc bang Ampang), nơi 7 nhà mạng đã được đào tạo để thực hiện nhiệm vụ này. 

Chương trình thử nghiệm đã liên lạc với 177 cá nhân. Tất cả những cá nhân này đã nhận được lịch hẹn tiêm chủng thông qua ứng dụng MySejahtera trên điện thoại thông minh, nhưng họ không có phản hồi; hoặc vắng mặt ở mũi tiêm thứ hai, hay vắng mặt ở mũi tiêm đầu tiên.  

Bà Zuraida cho biết Bộ Nhà ở và chính quyền địa phương Malaysia cung cấp xe đưa đón hai chiều để tạo điều kiện cho người dân đến các trung tâm tiêm chủng. Bên cạnh việc trung tâm liên lạc sẽ được hoàn thiện hệ thống, nhiều phòng khám di động cũng được thành lập nhằm đáp ứng mục tiêu tiêm cho nhóm người cao tuổi và người có bệnh lý nền và vô gia cư. 

Bộ trên cũng đặt mục tiêu mở rộng mô hình này đến nhiều bang khác, đặc biệt ở những nơi có mật độ lây nhiễm COVID-19 cao, để mở rộng phạm vi bao phủ của vaccine ngừa bệnh.

Hằng Linh (TTXVN)
Số ca mắc mới tại Campuchia tiếp tục tăng
Số ca mắc mới tại Campuchia tiếp tục tăng

Ngày 12/6, báo Khmer Times dẫn nguồn từ chính quyền thủ đô Phnom Penh tối qua cho biết, nếu tỷ lệ người nhiễm mới COVID-19 tiếp tục tăng, thủ đô có thể tái áp đặt việc phân chia khu vực theo màu đỏ, vàng đậm và vàng để ngăn chặn dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN