COVID-19 tại ASEAN hết 11/6: Campuchia phát hiện ổ dịch lớn; Malaysia kéo dài lệnh phong tỏa

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 11/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 25.441 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 83.700 người.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại một tuyến đường ở Kuala Lumpur, Malaysia khi lệnh phong tỏa được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 1/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Campuchia và Myanmar.

Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao như cách đây 1 tháng. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á.
 
Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành một trong những ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày 11/6 cũng đứng thứ hai toàn khối.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 10/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.

Ngày 11/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ hai Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 84 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua báo cáo 188 ca bệnh mới và có 2 trường hợp tử vong.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 11/6 ghi nhận thêm trên 2.290 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 27 người. Dù vậy, so với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đã giảm khá nhiều.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 20/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 655 bệnh nhân mới và 11 ca tử vong trong một ngày qua. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 83.721 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 322 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.291.207 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.8431.301 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Ngoài Brunei, trong 24 giờ qua, có 10/11 các nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Các cửa hàng ở Kuala Lumpur, Malaysia đóng cửa khi lệnh phong tỏa được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 1/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Malaysia, chính phủ nước này đã quyết định kéo dài thêm hai tuần lệnh phong tỏa toàn diện tại nước này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Trong phiên họp đặc biệt của Hội đồng An ninh quốc gia, do Thủ tướng Muhyiddin Yassin chủ trì, ngày 11/6, đại diện Bộ Y tế nước này đã đề xuất kéo dài lệnh phong tỏa toàn diện hiện nay thêm hai tuần, từ  ngày 15-28/6 và đề xuất trên đã được thông qua tại phiên họp. Nguyên nhân chủ yếu là do số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày vẫn cao hơn 5.000 ca và tới ngày 10/6, bình quân số ca mắc mới theo ngày là 6.871 ca.

Quyết định của Chính phủ Malaysia được cho là phù hợp với khuyến nghị của các chuyên gia y tế nước này. Trả lời phỏng vấn tờ Tinh Châu nhật báo, Phó Hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu Đại học Y khoa quốc tế (IMU) Lokman đã đưa ra 5 lý do cần kéo dài lệnh phong tỏa toàn diện thêm ít nhất hai tuần, trong đó có số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày vẫn ở mức rất cao (4 con số), do đó, trong vài ngày còn lại của lệnh phong tỏa toàn diện không thể đưa con số này trở về mức 3 con số, cũng như số ca tử vong vì COVID-19, số bệnh nhân phải điều trị tích cực và cần trợ giúp của máy thở vẫn rất cao.

Chú thích ảnh
Trong ảnh: Đo thân nhiệt nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19 trước khi vào chợ tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 24/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo Khmer Times ngày 11/6 đưa tin ổ dịch lớn vừa được phát hiện tại một nhà máy ở thủ đô Phnom Penh với hơn 200 công nhân dương tính với COVID-19.

Có tới 947 công nhân nhà máy Y&W ở Tòa A, đường 217, làng Chrey Village, phường Spean Thmor, quận Dangkor (Phnom Penh) ngày 10/6 đã được lấy mẫu xét nghiệm vì nghi ngờ có người mắc COVID-19 và kết quả là 201 mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 142 phụ nữ. Các bác sĩ đã đưa bệnh nhân COVID-19 đi điều trị tại hai địa điểm là Koh Pich và Toul Pong. Trong khi đó những công nhân có kết quả âm tính được đề nghị tự cách ly tại nhà 14 ngày chờ xét nghiệm lần hai.

Trước đó, ngày 9/6, một sự cố đã xảy ra khi 11 công nhân dương tính với COVID-19 làm việc tại Công ty Fortress International Co Ltd thuộc phường Pong Toek (quận Dangkor) đã tranh thủ đám đông để bỏ trốn, làm tăng nguy cơ lây dịch bệnh ra cộng đồng. Công ty Fortress International Co Ltd có khoảng 1.800 công nhân và tối 9/6, các nhân viên y tế đã lấy 300 mẫu xét nghiệm, trong đó 11 mẫu dương tính.

Trước diễn biến trên, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp an ninh để đảm bảo công nhân trong chương trình xét nghiệm COVID-19 không được trốn khỏi nhà máy. Ông Sreng nói rằng chính quyền địa phương cần phổ biến với công nhân về việc cần thiết phải hợp tác với nhân viên y tế để lấy mẫu xét nghiệm để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nếu kết quả âm tính, công nhân có thể tiếp tục làm việc.

Chú thích ảnh
Người dân đợi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trưa 11/6, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có thêm 655 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 49 ca nhập cảnh và 606 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy tính đến ngày 11/6, Campuchia ghi nhận tổng cộng 37.321 ca mắc COVID-19, trong đó 30.617 người hồi phục và 311 người tử vong (trong đó có 11 ca tử vong mới).

Trong diễn biến liên quan, chính quyền tỉnh Siem Reap (phía Bắc Campuchia) thông báo sẽ phạt người bán hàng và người dân không đeo khẩu trang hoặc không đeo khẩu trang phù hợp để ngăn chặn dịch COVID-19.

Phó Tỉnh trưởng tỉnh Siem Reap Pin Prakot ngày 10/6 cho biết trước khi quyết định áp lệnh phạt tiền, chính quyền tỉnh đã có hai tháng thực hiện chiến dịch phổ biến cho người dân về tầm quan trọng của đeo khẩu trang. Theo Luật về các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, một người không đeo khẩu trang ở nơi công cộng có thể bị phạt từ 50-250 USD.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 10/6: Cả khối thêm 25.021 ca mắc; Số ca mắc mới ở Indonesia vọt lên gần 9.000
COVID-19 tại ASEAN hết 10/6: Cả khối thêm 25.021 ca mắc; Số ca mắc mới ở Indonesia vọt lên gần 9.000

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 10/6, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 25.021 ca mắc COVID-19 và 460 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 4.270.292 ca, trong đó 83.390 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN