Trong ngày 10/6, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Indonesia với 8.892 ca. Tiếp đó là Philippines với 7.486 ca, Malaysia với 5.671 ca, Thái Lan với 2.310 ca, Campuchia với 426 ca. Các nước còn lại ghi nhận trên dưới 200 ca mắc mới.
Về số ca tử vong, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (211 ca), Philippines (122 ca), Malaysia (73 ca), Thái Lan (43 ca) và Campuchia (11 ca).
Indonesia ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ tháng 2
Ngày 10/6, Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận thêm 8.892 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ ngày 26/2.
Theo bộ trên, trong số các ca nhiễm mới, thủ đô Jakarta ghi nhận 2.091 ca, Trung Java 1.535 ca, Tây Java 1.334 ca, Yogyakarta 455 ca và Riau 438 ca. Trong 24 giờ qua, Indonesia có thêm 211 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 52.373 ca trong tổng số 1.885.942 ca bệnh. Đến nay, 1.728.914 bệnh nhân đã phục hồi. Dịch bệnh đã lan sang toàn bộ 34 tỉnh của nước này.
Ngày 10/6, Bộ Y tế Indonesia cho biết giai đoạn 3 của chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19, nhắm tới hàng trăm triệu người không thuộc các đối tượng ưu tiên, sẽ bắt đầu được khởi động từ tháng 7.
Người phát ngôn bộ trên cho biết giai đoạn đầu của chương trình tiêm chủng đã được tiến hành với 1,4 triệu nhân viên y tế, tiếp đó là giai đoạn 2 với 21,5 triệu người cao tuổi và 17,4 công chức, viên chức. Trong giai đoạn 3, sẽ tiêm đại trà cho 141,3 triệu người trên 18 tuổi. Bộ đã quyết định sắp xếp lại chương trình tiêm chủng quốc gia cho hơn 181,5 triệu người từ 4 giai đoạn ban đầu thành 3 giai đoạn.
Singapore dần nới lỏng giãn cách từ ngày 14/6
Sau gần một tháng thắt chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19, tình hình lây nhiễm trong cộng đồng tại Singapore đã có tiến triển tích cực. Giới chức “đảo quốc sư tử” quyết định sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội theo 2 giai đoạn, bắt đầu từ 14/6.
Tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 10/6, Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 cho biết, nhờ sự hợp tác tích cực của người dân trong thực hiện giai đoạn “cảnh báo tăng cường” từ 16/5, lây nhiễm trong cộng đồng đã được ngăn chặn, số ca nhiễm mới giảm mạnh.
Vì thế, từ ngày 14/6, Singapore sẽ nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội, theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu từ 14/6, theo đó cho phép tụ tập từ 2 lên 5 người, mỗi gia đình được tiếp 5 khách/ngày, tăng công suất đón tiếp tại các điểm du lịch, bảo tàng, thư viện từ 25% lên 50% cũng như nâng số người được phép tham dự các hoạt động xã hội khác.
Nếu như tình hình vẫn trong tầm kiểm soát sau khi mở cửa từ 14/6, giai đoạn 2 sẽ được áp dụng từ ngày 21/6, theo đó cho phép nối lại các hoạt động ăn uống tại chỗ ở các nhà hàng, trung tâm ăn uống, tối đa 5 người/nhóm, duy trì khoảng cách 1m giữa các nhóm; các hoạt động thể thao đòi hỏi phải tháo khẩu trang, các lớp học thêm, gia sư sẽ được nối lại. Tuy nhiên, yêu cầu làm việc tại nhà vẫn được duy trì để giảm rủi ro.
Số ca lây nhiễm mới tại Singapore đã xuống mức 1 con số trong những ngày qua. Ngày 10/6, Singapore chỉ ghi nhận 4 ca nhiễm mới trong cộng đồng trong tổng số 13 ca nhiễm mới, mức thấp nhất trong ngày trong gần 4 tháng qua, nâng tổng số ca nhiễm tại Singapore lên 62.223 ca, với 34 ca tử vong. Hiện tại, chỉ có 291 trường hợp đang phải cách ly và 158 ca đang điều trị tại bệnh viện.
WHO khuyến nghị các biện pháp kiểm soát dịch tại Campuchia
Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia, bà Lý Ái Lan, ngày 9/6 đã có bài phát biểu nêu lên những vấn đề đã gây trở ngại cho nỗ lực của Campuchia trong việc ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát mạnh sau “sự cố cộng đồng ngày 20/2”. Đại diện WHO cũng đưa ra một số khuyến nghị để kiểm soát tình hình dịch bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này.
Phát biểu tại buổi lễ do WHO và Bộ Y tế Campuchia đồng chủ trì về phân bổ thuốc men và trang thiết bị y tế cho quan chức y tế tỉnh Pursat (phía Tây Campuchia), bà Lý Ái Lan cho rằng Campuchia đang đối mặt với biến thể COVID-19 có khả năng lây lan rất nhanh, triệu chứng nhiễm bệnh lại khó phát hiện. Bên cạnh đó, sự mệt mỏi của lực lượng phản ứng nhanh cũng làm công tác chống dịch thêm khó khăn và một số người có tâm lý chủ quan sau khi tiêm phòng vaccine.
Để Campuchia có thể kiểm soát được tình hình, bà Lý Ái Lan khuyến nghị người dân tiếp tục tránh tụ tập đông người và lui tới chỗ đông người, không nên ở trong không gian khép kín và chỉ có điều hòa, đồng thời tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ Campuchia.
Trong ngày 10/6, Campuchia xác nhận có thêm 11 trường hợp tử vong vì COVID-19 tại nước này trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong vì đại dịch tại nước này lên con số 300 người và tất cả đều từ lần bùng phát dịch thứ ba sau “sự cố cộng đồng ngày 20/2”. Trong hai lần bùng phát dịch hồi năm ngoái, Campuchia không có trường hợp nào tử vong.
Philippines: Chậm giao vaccine buộc nhiều trung tâm tiêm chủng phải đóng cửa
Tại Philippines, việc chậm giao vaccine đã khiến một số thành phố ở vùng thủ đô phải đóng cửa các điểm tiêm phòng, gây thêm khó khăn cho nỗ lực đẩy nhanh tốc độ miễn dịch cộng đồng. Người phát ngôn Tổng thống, ông Harry Roque kêu gọi mọi người thông cảm, đồng thời đảm bảo "sẽ có thêm nguồn cung trong những tháng tới và mọi người sẽ được tiêm phòng".
Người đứng đầu chương trình phân phối vaccine của chính phủ, ông Carlito Galvez cho biết trong tổng số 7 triệu liều vaccine được dự kiến giao vào tháng 5, hiện chỉ có 4,5 triệu liều được giao. Sự chậm trễ này xảy ra đúng lúc chính phủ đang dự định tiêm phòng cho khoảng 35 triệu người phải đến công ty làm việc nhằm đảm bảo ngăn chặn lây lan trong khi mở cửa nền kinh tế.
Theo kế hoạch, Philippines sẽ nhận tổng cộng 12,6 triệu liều vaccine, hầu hết từ Trung Quốc và thông qua cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX.
AstraZeneca khẳng định sớm bàn giao vaccine cho Đông Nam Á
AstraZeneca thông báo đang hợp tác chặt chẽ với các nước Đông Nam Á nhằm đảm bảo việc cung cấp càng sớm, càng tốt vaccine COVID-19 của hãng này.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi có thông tin về khả năng chậm tiến độ giao vaccine từ nhà máy sản xuất Siam Bioscience của Thái Lan. Việc phân phối vaccine của AstraZeneca tại Đông Nam Á phụ thuộc vào 200 triệu liều vaccine được Siam Bioscience sản xuất.
Tuyên bố của AstraZeneca khẳng định việc phân phối vaccine đến các nước Đông Nam Á sẽ diễn ra trong những tuần tới. Hiện hãng đang hợp tác chặt chẽ với các chính phủ liên quan nhằm cung cấp vaccine càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, tuyên bố không đề cập đến năng suất của nhà máy sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại Thái Lan. Đây là lần đầu tiên Siam Bioscience sản xuất vaccine. Tháng 1 vừa qua, Siam Bioscience ước tính có thể sản xuất 200 triệu liều mỗi năm, tương đương 15-20 triệu liều mỗi tháng.
Dự kiến, trong tháng 6 này, Malaysia sẽ nhận 610.000 liều vaccine AstraZeneca được sản xuất tại Thái Lan và 1,6 triệu liều trong năm nay. Tuy nhiên, ngày 9/6, Bộ trưởng Khoa học Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết việc tiếp nhận có thể bị chậm trễ.
Trước đó, Philippines cũng cho biết đã nhận được thông báo của AstraZeneca về việc giao lô vaccine đầu tiên với 1,3 triệu liều, sẽ phải lui đến giữa tháng 7, muộn hơn 3 tuần so với kế hoạch ban đầu và lượng vaccine cũng sẽ giảm chỉ còn 1,17 triệu liều. Việc bàn giao lô vaccine thứ 2 - cũng dự kiến giảm từ 1,3 triệu liều xuống còn 1,17 triệu liều, sẽ bị lui từ tháng 7 sang tháng 8.
Ngay tại Thái Lan, lẽ ra sẽ nhận được 6 triệu liều vaccine AstraZeneca trong tháng 6, song hiện giờ cũng mới chỉ nhận được 1,8 triệu liều vaccine của hãng này được sản xuất trong nước và 200.000 liều nhập từ Hàn Quốc.