Malaysia dỡ bỏ lệnh cấm lao động nhập cư

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày 22/10 thông báo nước này sẽ cho phép lao động nước ngoài quay trở lại làm việc sau gần 16 tháng gián đoạn do đại dịch COVID-19, cũng như cho phép một số du khách quay trở lại hòn đảo nghỉ dưỡng Langkawi.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Thủ tướng Ismail, Ủy ban đặc biệt về quản lý đại dịch đã nhất trí để người lao động nước ngoài vào làm việc tại Malaysia, đáp ứng nhu cầu của một số ngành, trong đó có các đồn điền dầu cọ và sản xuất găng tay cao su. 

Nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của Malaysia phụ thuộc chủ yếu vào khoảng 2 triệu lao động nước ngoài. Tháng trước, quốc gia Đông Nam Á này thông báo sẽ ưu tiên để 32.000 lao động làm việc trong ngành trồng rừng trở lại nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng thiếu hụt lao động nghiêm trọng, tác động đến ngành sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, ngành sản xuất găng tay cao su cũng đã đề nghị chính phủ cho phép lao động nhập cư trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong năm nay và năm sau. 

Bên cạnh đó, từ giữa tháng 11 tới, Malaysia cũng sẽ cho phép một số du khách quốc tế đến hòn đảo nghỉ dưỡng Langkawi. Đây là lần đầu tiên Malaysia mở cửa biên giới với du khách nước ngoài kể từ khi đại dịch bùng phát. 

Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn lời Thủ tướng Ismail cho biết Malaysia đang nhắm tới việc chào đón du khách đã được tiêm chủng. Du khách sẽ không phải chịu quy định cách ly nhưng phải ở lại Langkawi ít nhất 3 ngày cũng như cần tiến hành xét nghiệm RT-PCR trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành, giấy chứng nhận tiêm chủng, cũng như mua gói bảo hiểm du lịch giá trị cao. 

Trong thời gian tới, Cục Nhập cư, Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao sẽ đưa ra danh sách các nước được phép tới Langkawi. Trẻ em dưới 18 tuổi phải đi cùng bố mẹ, người bảo hộ đã hoàn thành việc tiêm chủng. Với những du khách có kết quả dương tính với COVID-19 trong xét nghiệm khi đặt chân tới Langkawi sẽ phải cách ly và điều trị bệnh. Ngoài ra, trước khi rời Malaysia, khách du lịch quốc tế cũng buộc phải xét nghiệm RT-PCR.

Đảo Langkawi đã trở thành địa điểm du lịch đầu tiên được thử nghiệm mở cửa đón du khách trở lại tại Malaysia sau khi quốc gia Đông Nam Á dần kiểm soát được chuỗi lây lan của đại dịch COVID-19 và từng bước hồi phục sau cuộc khủng hoảng. Sau 2 tuần đầu tiên mở cửa trở lại, từ ngày 16-30/9, hòn đảo du lịch nổi tiếng này đã đón 38.748 lượt du khách và doanh thu từ du lịch đạt 15,97 triệu RM (khoảng 3,82 triệu USD).

* Cùng ngày, đài truyền hình nhà nước Iran đưa tin các tín đồ Hồi giáo của nước này đã được phép tham gia lễ cầu nguyện thứ Sáu tại thủ đô Tehran sau gần 20 tháng do đại dịch COVID-19. Những người tham gia cầu nguyện phải giữ khoảng cách và đeo khẩu trang. 

Theo kế hoạch, từ ngày 23/10, các trường học có dưới 300 học sinh sẽ được mở cửa trở lại và nhân viên chính phủ, trừ lực lượng vũ trang, sẽ không được phép đi làm nếu chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Kể từ ngày 6/11, các trường có trên 300 học sinh sẽ mở cửa trở lại. 

Thống kê cho thấy COVID-19 đã khiến trên 5,8 triệu người dân Iran mắc bệnh, trong đó có 124.928 người không qua khỏi. Đến nay, trên 28,2 triệu người ở quốc gia Trung Đông này đã được tiêm 2 mũi vaccine. Tuy nhiên, đầu tuần này, Bộ trưởng Y tế Iran Bahram Einollah cảnh báo nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 6 dịch COVID-19 tấn công nước này.

Mạnh Tuân - Ngọc Hà (TTXVN)
Malaysia mở rộng đối tượng được tiêm mũi vaccine tăng cường
Malaysia mở rộng đối tượng được tiêm mũi vaccine tăng cường

Ngày 22/10, Chính phủ Malaysia bắt đầu triển khai mũi tiêm vaccine tăng cường ngừa COVID-19 cho những cá nhân đã hoàn thành tiêm chủng với vaccine của hãng Sinovac ít nhất 3 tháng. Theo đó, những cá nhân này sẽ đủ điều kiện được tiêm mũi thứ 3 vaccine của Pfizer/BioNTech và sẽ được tiêm trên cơ sở tự nguyện. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN