Chăn thả cừu tại thành thị không phải là phương pháp mới trong tạo cảnh quan, nhưng ngày càng nhiều thành phố lựa chọn hình thức này để giải quyết các vấn đề về quản lý đất đai như thực vật xâm lấn, nguy cơ cháy rừng, bảo vệ thảm thực vật bản địa và môi trường sống của động vật, bảo tồn các di tích lịch sử…
Chính quyền thành phố Nashville đã thuê Nashville Chew Crew, công ty địa phương chuyên chăn nuôi cừu ở đô thị, vào năm 2017 để giúp bảo tồn Fort Negley, một công sự thời Nội chiến Mỹ đang bị cỏ dại mọc giữa và dọc theo các phiến đá, gây khó khăn cho máy cắt cỏ.
Cừu hiện gặm cỏ trên khoảng 60,7 ha đất của Nashville hàng năm, bao gồm cả Nghĩa trang Thành phố Nashville vốn mang tính lịch sử. Sử dụng cừu là phương pháp bền vững để chăm sóc không gian xanh và tiết kiệm chi phí hơn so với việc dùng thiết bị cầm tay và công nhân.
Tại Mỹ, một thành phố khác cũng đã trở nên phụ thuộc vào loài cừu, đó là Santa Barbara, bang California. Trong 7 năm qua, Santa Barbara đã sử dụng cừu chăn thả để quản lý vùng đệm có thể làm chậm hoặc ngăn chặn lây lan của cháy rừng.
Thậm chí, một số trường đại học Mỹ cũng đã thử nghiệm chăn thả dê và cừu trong khuôn viên. Năm 2010, Đại học Georgia gặp phải vấn đề về cây thủy lạp mọc tràn lan trên một phần khuôn viên trường và đẩy các loài thực vật bản địa ra ngoài. Thay vì sử dụng hóa chất hoặc máy cắt cỏ, nhà trường đã thuê đàn dê đến để lột vỏ cây, giẫm lên rễ cây thủy lạp và làm rụng lá của chúng.
Cùng thời điểm đó, Zach Richardson, chủ sở hữu của Nashville Chew Crew, lúc đó là sinh viên Đại học Georgia chuyên ngành kiến trúc cảnh quan, đã nảy ra ý tưởng thành lập doanh nghiệp chăn thả dê của riêng mình. Richardson, đã chuyển đến Nashville sau khi tốt nghiệp, và hiện tại anh yêu thích cừu hơn dê. Cừu có xu hướng sống theo bầy đàn và không hay leo trèo, khám phá nhiều như dê.
Tuy nhiên, đàn cừu chăn thả trong thành phố cần di chuyển thường xuyên vì chúng chán những cây giống nhau. Bên cạnh đó, hàng trăm con cừu có thể tác động đến môi trường qua việc phát tán hạt giống từ phân của chúng.