Kênh CNN (Mỹ) cho biết động thái này góp phần giảm bớt khó khăn cho một số ngành kinh doanh Mỹ đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Anh đã được công bố ngày 23/3 hướng tới tăng cường quan hệ giữa hai nước. Diễn biến này cũng xảy ra trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Biden đến châu Âu.
Dựa trên thỏa thuận thương mại này, Mỹ đồng ý nới lỏng một phần thuế với thép và nhôm sản xuất tại Anh được áp dụng từ thời chính quyền Tổng thống Trump vào năm 2018. Đổi lại, Anh cũng nới lỏng thuế trả đũa với trên 500 triệu USD hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ, trong đó có rượu mạnh, xe máy và nhiều sản phẩm nông nghiệp.
Đây được coi là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Biden nhằm đẩy mạnh quan hệ với các đối tác thương mại trong thời điểm chiến đấu với cái Mỹ gọi là “tập quán thương mại không công bằng của Trung Quốc”. Thỏa thuận giữa Mỹ và Anh cũng bao hàm việc hạn chế xuất khẩu của Anh từ công ty thuộc sở hữu hoặc nằm dưới sự kiểm soát của một thực thể Trung Quốc. Một thỏa thuận tương tự để xoa dịu giá thuế thép và nhôm cũng được thực hiện với Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2021.
Chính quyền cựu Tổng thống Trump lập luận rằng các mức thuế là cần thiết để bảo bảo vệ ngành công nghiệp thép và nhôm của Mỹ khỏi nguồn nhập khẩu giá rẻ dư thừa. Tuy nhiên, mức thuế này cũng khiến thép và nhôm trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo ngày 22/3 nêu rõ thỏa thuận “sẽ đem lại lợi ích cho ngành công nghiệp thép, nhôm của Mỹ cũng như người lao động qua bảo vệ sản xuất, người tiêu dùng bằng giảm áp lực lạm phát”.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 23/3, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ thông báo phục hồi một số miễn trừ thuế từ thời chính quyền cựu Tổng thống Trump áp đặt lên hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Miễn trừ thuế với 352 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc này sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, phần lớn mức thuế bổ sung chính quyền cựu Tổng thống Trump áp đặt lên số hàng hóa trị giá 350 tỷ USD của Trung Quốc vẫn duy trì.
Tổng thống Biden đang chịu áp lực từ cộng đồng kinh doanh kêu gọi nới lỏng các mức thuế từ thời người tiền nhiệm Trump.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã đợi chờ sự miễn trừ này trong nhiều tháng với lập luận rằng gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát khiến việc được trợ giúp là rất quan trọng. Tình trạng lạm phát gia tăng cùng gián đoạn chuỗi cung ứng bắt nguồn từ dịch COVID-19 đã khiến cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đề nghị chính quyền Tổng thống Biden gỡ bỏ các mức thuế bổ sung với hàng hóa Trung Quốc. Mặc dù động thái này không thể giải quyết vấn đề của chuỗi cung ứng nhưng cũng hỗ trợ giảm áp lực mà các nhà nhập khẩu đang đối mặt.
Gần đây, một nhóm thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ đã viết thư đề nghị chính quyền đương nhiệm thực hiện quá trình miễn trừ toàn diện hơn với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng phát vào năm 2018 khi cựu Tổng thống Trump áp dụng mức thuế 50 tỷ lên hàng hóa Trung Quốc. Năm tiếp theo, ông Trump tiếp tục bổ sung thuế lên hàng hóa Trung Quốc sau khi Bắc Kinh cũng có động thái tương tự để trả đũa.
Sau nhiều tháng căng thẳng leo thang, cựu Tổng thống Trump và người đồng cấp Tập Cận Bình “đình chiến chiến tranh thương mại” vào đầu năm 2020, ký kết thỏa thuận “Giai đoạn một”. Thỏa thuận giúp giảm một số mức thuế nhưng chúng vẫn có hiệu lực và Trung Quốc chấp thuận tăng cường mua hàng hóa cùng nông sản Mỹ với mục tiêu nhập khẩu thêm 200 tỷ USD so với mức trước khi chiến tranh thương mại bùng phát.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã không thực hiện được cam kết trong thỏa thuận “Giai đoạn Một”. Mức thuế bổ sung áp dụng với hàng hóa Trung Quốc như xe đạp, vali, tivi… khiến chúng trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà nhập khẩu Mỹ. Nhiều mặt hàng này khi sản xuất tại Mỹ lại không bắt kịp tốc độ để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước.