Mỹ mắc kẹt trong chính sách áp thuế cao với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc

Để ngăn các biện pháp trừng phạt thuế hết hạn, Mỹ sẽ sớm đánh giá nhóm thuế quan đầu tiên được áp với hàng hóa nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc.

Theo Bloomberg, công việc đánh giá này tới nay vẫn không gây chú ý mấy. Quá trình rà soát liên quan đến Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974. Đây là đạo luật mà Tổng thống Donald Trump khi đó đã sử dụng để áp đặt với hàng hóa Trung Quốc từ tháng 7/2018.

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa ở Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo quy định trong luật này, nếu văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ không phân tích hiệu quả và hậu quả của biện pháp thuế, thì các mức thuế quan cao áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ hết hiệu lực sau 4 năm.

Công việc rà soát, đánh giá cần diễn ra trong vòng 60 ngày kể từ ngày kết thúc theo dự kiến, tức là ngày 6/7 đối với nhóm hàng hóa đầu tiên trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc. Các mức thuế cao áp lên phần lớn nhóm hàng hóa sau đó cũng sẽ hết hạn trong những tháng tiếp theo.

Ông Stephen Kho, đối tác tại văn phòng luật sư Akin Gump Strauss Hauer & Feld LLP tại Washington, nhận định: “Đây không phải là điều có thể phớt lờ. Không thể thực hiện quá trình này một cách nửa vời”.

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ chưa có dấu hiệu nào cho thấy có kế hoạch dỡ bỏ các mức thuế quan cao đã áp đặt, ngay cả khi lạm phát đang ở mức trên 7% và giá các mặt hàng từ năng lượng đến lúa mì tăng cao sau khi Nga đưa quân vào Ukraine.

Trước đó, ông Trump đã áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc trong khuôn khổ cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Hai bên đã áp đặt thuế ăn miếng trả miếng lên số hàng hóa trị giá 500 tỷ USD được giao dịch giữa hai quốc gia.

Chú thích ảnh
Container hàng hóa tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 14/1/2020. Ảnh: EPA/TTXVN

Vào đầu năm 2020, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Theo đó, Mỹ giảm một số thuế quan để đổi lấy việc Trung Quốc cam kết giải quyết vấn đề trộm cắp tài sản trí tuệ và chi 200 tỷ USD mua năng lượng, nông sản, hàng sản xuất, dịch vụ cho đến hết tháng 12/2021.

Tổng thống Joe Biden đã giữ nguyên mức thuế đó trong một năm kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ. Dữ liệu liên tục cho thấy Trung Quốc không đạt được cam kết mua hàng Mỹ. Điều đó có thể khiến các mức thuế cao sẽ tồn tại lâu dài hơn trong bối cảnh thương mại hiện nay.

Trong nhiều tháng qua, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã kêu gọi phía Trung Quốc thực hiện nhiều hơn các cam kết trong thỏa thuận giai đoạn một. Các cuộc đàm phán với Trung Quốc đã không có đột phá lớn và Mỹ nhận thấy khả năng tiếp tục thúc đẩy đàm phán là hạn chế.

Khi không có lý do gì để giảm thuế trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung Quốc vẫn âm ỉ căng thẳng, phía Mỹ không còn nhiều cơ hội chính trị để thực hiện động thái này cho dù họ muốn tìm cách giảm lạm phát trước thềm bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.

Ông Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á ở Washington, cho biết: “Nới lỏng bảo hộ thương mại lúc nào cũng khó hơn là thực hiện. Thỏa thuận giai đoạn một của ông Trump không có lựa chọn đáng kể nào để khiến Trung Quốc phải tuân thủ”.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại một chợ ở Washington, DC, Mỹ, ngày 8/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Các công ty và nghị sĩ Mỹ đang yêu cầu giảm thuế quan. Tháng trước, một nhóm lưỡng đảng gồm 41 thượng nghị sĩ đã thúc giục bà Katherine Tai thiết lập quy trình toàn diện hơn để loại bỏ một số mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc khỏi danh sách bị áp thuế cao mà họ cho rằng có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Mỹ.

Từ tháng 10 đến tháng 12/2021, Văn phòng của bà Tai đã tham khảo ý kiến dư luận về việc có nên bỏ áp thuế cao với 549 sản phẩm Trung Quốc hay không. Năm tháng sau khi lấy ý kiến dư luận, văn phòng của bà Tai vẫn chưa có động thái công khai.

Năm 2021, Chính quyền Mỹ cũng cân nhắc mở điều tra mới về trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc theo Mục 301. Điều đó có thể dẫn đến điều chỉnh lại thuế, tức là tăng thuế đối với các sản phẩm hưởng trợ cấp của Trung Quốc mà Mỹ không cần và hạ thuế các sản phẩm mà các công ty Mỹ cần.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen từng thừa nhận rằng người tiêu dùng Mỹ đang phải trả cho khoản thuế cao mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc. Phòng Thương mại Mỹ đã yêu cầu bỏ một số mặt hàng khỏi danh sách áp thuế cao và sau đó tăng số lượng hàng hóa thuộc diện này.

Tuy nhiên, chấm dứt trừng phạt thuế mà không nhận lại được gì sẽ khiến Tổng thống Biden dễ bị là mềm mỏng với Trung Quốc.

AFL-CIO, liên đoàn lao động lớn nhất Mỹ, cũng muốn giữ nguyên thuế quan cho đến khi Trung Quốc thay đổi chính sách.

Ông Stephen Vaughn, cự cố vấn của Đại diện Thương mại Mỹ thời ông Trump nhận định: Nếu bỏ trừng phạt thuế quan bây giờ, Trung Quốc sẽ nghĩ rằng họ sẽ có thỏa thuận tốt hơn cho dù không tuân thủ thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Tôi nghĩ rằng Mỹ không thích chính sách này, nhưng họ mắc kẹt với nó. Tôi cho rằng sẽ không có gì thay đổi đáng kể”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Mỹ tính gia tăng sức ép thương mại và công nghệ nhằm vào Trung Quốc
Mỹ tính gia tăng sức ép thương mại và công nghệ nhằm vào Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc mở cuộc điều tra mới nhằm vào Trung Quốc dựa trên Khoản 301 của Đạo luật thương mại Mỹ năm 1974, coi đây là một nỗ lực để bảo vệ ưu thế của Mỹ trong các công nghệ mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN