Theo mạng tin châu Âu Euractiv.com ngày 22/2, đại diện của Litva sẽ tẩy chay phiên họp mùa Đông của Hội đồng Nghị viện Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE PA) tại Vienna sau khi Áo cho phép đại diện của Nga tham dự.
Phiên họp trên sẽ diễn ra vào ngày 23 - 24/2, đúng một năm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tờ Guardian (Anh) đưa tin rằng 18 nhà lập pháp Nga dự kiến sẽ tham dự cuộc họp.
Vilija Aleknaitė-Abramikienė, Trưởng phái đoàn Quốc hội Litva, cho biết: “Quyết định cuối cùng của chúng tôi là không tham dự".
Trưởng phái đoàn trên của Litva nêu rõ: “Chúng tôi đã quyết tâm và có sự thống nhất giữa các đảng phái trong Quốc hội, không có quan điểm khác biệt nào ở đây”.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau một cuộc họp phái đoàn của Quốc hội Litva ở Vilnius hồi đầu tháng này, các phái đoàn nghị viện Bắc Âu, Baltic và Ba Lan nói rằng Nga phải "chịu trách nhiệm" về hành động của mình ở Ukraine.
Họ lưu ý rằng sự tham gia của Nga trong cuộc họp của OSCE PA tại Vienna sẽ "được sử dụng để tuyên truyền trong và ngoài nước" và “sẽ gửi một thông điệp rất đáng thất vọng tới cộng đồng quốc tế”.
Các nghị sĩ Litva đã mời các đối tác Bắc Âu, Baltic và Ba Lan tham gia tẩy chay nếu Nga được phép tham dự, nhưng không thành công.
Bà Aleknaitė-Abramikienė sau đó cho biết đại diện của các quốc gia khác đã quyết định "đối mặt với phía Nga trong cùng một hội trường".
Tất cả các thành viên của phái đoàn Nga đều nằm trong danh sách trừng phạt của EU kể từ đầu năm 2014.
Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg gần đây cho biết Vienna nên cho phép tất cả các đại biểu từ tất cả các quốc gia tham gia hội nghị. “Chúng ta không được bỏ qua thực tế là chúng ta cần các nền tảng/diễn đàn”, ông Schallenberg nói với chương trình Zeit im Bild của Đài Phát thanh Công cộng Áo trong một cuộc phỏng vấn vào đầu tuần này.
OSCE đã gặp khó khăn trong 18 tháng qua khi họ không thông qua các vấn đề chính bao gồm ngân sách và nhiệm vụ, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine. Điều này đã khiến tổ chức rơi vào tình trạng bế tắc về hành chính, gây ra sự không chắc chắn về các hoạt động và chức vụ chủ tịch trong tương lai.
Không có cơ chế nào trong OSCE để loại bỏ hoặc cấm các thành viên tham gia, do đó, bất kỳ động thái nào ngăn cản Nga tham dự đều có thể liên quan đến việc hoãn hoặc từ chối cấp thị thực.