Lý do khiến Indonesia cấm bán hàng trên mạng xã hội

Trước việc Indonesia tuyên bố sẽ cấm bán hàng trên mạng xã hội, TikTok cho rằng động thái này sẽ cản trở sự đổi mới và làm lệch lạc yếu tố cạnh tranh trên thị trường. 

Chú thích ảnh
Biểu tượng của nền tảng chia sẻ video TikTok. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại phiên điều trần quốc hội ngày 12/9, Thứ trưởng Thương mại Indonesia cho biết quốc gia này đang có kế hoạch cấm bán hàng hóa trên mạng xã hội theo các quy định thương mại mới.

Các bộ trưởng Indonesia đã nhiều lần chỉ ra rằng việc những người bán hàng thương mại điện tử sử dụng phương pháp “định giá để phá giá” trên các nền tảng truyền thông xã hội đang đe dọa thị trường truyền thống ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này.

Tuy nhiên, các quy định thương mại hiện hành không đề cập cụ thể đến các giao dịch trực tiếp trên mạng xã hội.

Ông Jerry Sambuaga, Thứ trưởng Bộ Thương mại Indonesia, khẳng định mạng xã hội và thương mại xã hội không thể kết hợp với nhau. Ông nêu ví dụ về người bán sử dụng tính năng “phát trực tiếp” trên nền tảng video ngắn TikTok để bán hàng.

Thứ trưởng Sambuaga tuyên bố chính phủ đang tiến hành những sửa đổi đối với các quy định thương mại hiện nay và sẽ dứt khoát cấm bán hàng trên mạng xã hội. 

Đáp lại, TikTok cho biết việc tách phương tiện truyền thông xã hội và thương mại điện tử thành các nền tảng khác nhau sẽ cản trở xu thế đổi mới. Họ hy vọng chính phủ sẽ cung cấp một sân chơi bình đẳng cho công ty này. 

“Nó cũng sẽ gây bất lợi cho các thương nhân và người tiêu dùng Indonesia”, đại diện TikTok Indonesia Anggini Setiawan nói với Reuters.

Hiện có khoảng 2 triệu người bán hàng trên TikTok ở Indonesia. Trước đây, TikTok cho biết họ không có kế hoạch triển khai hoạt động kinh doanh xuyên biên giới ở quốc gia Đông Nam Á này, sau khi giới chức địa phương này tỏ lo ngại việc thúc đẩy thương mại điện tử của công ty đó có thể khiến các sản phẩm Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa.

Mạng xã hội Facebook của Meta, cũng có tính năng bán hàng trong nền tảng, chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về vấn đề trên.

TikTok thuộc sở hữu của “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc ByteDance. Công ty cho biết ứng dụng này có có 325 triệu người dùng Đông Nam Á hoạt động hàng tháng, trong đó có 125 triệu người dùng ở Indonesia. 

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Momentum Works, Indonesia, với dân số hơn 270 triệu người, đã đạt gần 52 tỷ USD giao dịch thương mại điện tử vào năm ngoái. Trong đó, 5% diễn ra trên TikTok, chủ yếu thông qua hình thức phát trực tiếp.

Theo báo cáo năm 2022 của Google, ngành thương mại điện tử của Indonesia dự kiến tăng lên 95 tỷ USD vào năm 2025.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo Reuters)
Ý nghĩa đằng sau nơi diễn ra hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Triều Tiên
Ý nghĩa đằng sau nơi diễn ra hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Triều Tiên

Giới phân tích cho rằng cuộc gặp gỡ giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Amur, Viễn Đông (Nga) mang tính biểu tượng, đặc biệt là sau khi Bình Nhưỡng gần đây đã thất bại trong 2 lần nỗ lực phóng vệ tinh do thám lên quỹ đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN