Lý do khiến bán đảo Triều Tiên nóng bỏng

Bán đảo Triều Tiên đang tiến đến “miệng hố chiến tranh” sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố đơn phương hủy bỏ Hiệp định đình chiến giữa hai miền. Theo tờ “Rodong Sinmun” (Lao động tân văn), cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên, các binh sĩ nước này đã vào vị trí để chuẩn bị tiến hành một cuộc chiến thống nhất hai miền Triều Tiên. Giới quan sát lo ngại nguy cơ tái diễn hành động khiêu khích quân sự như vụ pháo kích đảo Yeonpyeong hồi cuối năm 2010.


Vậy lý do nào khiến bầu không khí trên bán đảo Triều Tiên nặng mùi thuốc súng như hiện nay? Và vụ nổ lớn “Big Bang” này có đe dọa hủy diệt an ninh hay làm thay đổi cán cân ở Đông Bắc Á?


Bình Nhưỡng “quăng bom”


Tuyên bố của Bình Nhưỡng về việc hủy Hiệp định đình chiến, một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, được ví như một “quả bom” gây chấn động cộng đồng quốc tế. Cùng với tuyên bố này, Bình Nhưỡng cũng đồng thời cắt đứt đường dây nóng liên lạc giữa hai miền (được thiết lập để giải quyết các sự cố xảy ra tại khu phi quân sự ở biên giới Panmunjom), đe dọa tấn công hạt nhân phủ đầu nhấn chìm Mỹ trong biển lửa.


Đây được coi là những động thái đáp trả mạnh mẽ của Triều Tiên sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua Nghị quyết 2094 với các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên (trong đó có điều khoản đóng băng mọi quan hệ tài chính), cũng như việc Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung thường niên Key Resolve (Giải pháp then chốt) như dự kiến bất chấp cảnh báo từ Triều Tiên.


Binh sĩ Hàn Quốc tham gia tập trận chung Mỹ - Hàn tại thành phố biên giới Paju ngày 12/3. Ảnh: AFP-TTXVN


“Nếu họ muốn chiến tranh, họ sẽ có (chiến tranh)”. Một tờ báo lớn ở Triều Tiên đưa ra thông điệp trên để phản đối Nghị quyết 2094 đồng thời cáo buộc những âm mưu thù địch của Mỹ. Trước đó vài ngày, Mỹ đã soạn thảo một nghị quyết mới nhằm gia tăng trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân hôm 12/2 vừa qua (vụ thử hạt nhân lần thứ ba kể từ năm 2006).


Theo Bình Nhưỡng, HĐBA đã bị điều khiển như một con rối trong tay Oasinhtơn, khi thông qua nghị quyết do Mỹ soạn thảo, nghị quyết thứ hai từ đầu năm đến nay và là nghị quyết thứ năm trong 8 năm qua. Nghị quyết mới của HĐBA, dưới sự chỉ đạo của Oasinhtơn, bộc lộ bản chất “thâm độc” của Mỹ khi đề cập các biện pháp trừng phạt chống CHDCND Triều Tiên như là một trách nhiệm, nhằm quốc tế hóa lệnh trừng phạt chưa từng thấy trước đây.


Bình Nhưỡng coi lệnh trừng phạt mới nhất của HĐBA chính xác là một tuyên bố và hành động chiến tranh chống lại Triều Tiên. Dưới vỏ bọc HĐBA, Mỹ đang tìm cách đạt được mục tiêu xâm lược Triều Tiên bằng cách đe dọa quyền được tồn tại cũng như chủ quyền của CHDCND Triều Tiên. Đó là một hành động tội ác, phi đạo đức, nếu không muốn nói là hành động chiến tranh. Tệ hơn nữa, Mỹ đã cho ra đời một nghị quyết trừng phạt trùng với thời điểm diễn ra các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn mang tên Key Resolve và Foal Eagle (Đại bàng non). Oasinhtơn âm mưu sử dụng các cuộc tập trận này cho mục đích chuẩn bị phát động cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ Triều Tiên. Động thái này được Mỹ sắp xếp nhằm mục đích khiêu chiến để bóp nghẹt Triều Tiên. Thông qua các biện pháp trừng phạt như vậy, Mỹ mưu toan xâm lược Triều Tiên như họ đã từng làm với Irắc.


Xơun chưa sẵn sàng


Trong khi đó, Xơun xem ra chưa sẵn sàng để đối phó với một cuộc khủng hoảng mới. Khi đưa ra một loạt tuyên bố và hành động quyết liệt để đáp trả lệnh trừng phạt mới do HĐBA thông qua ngày 7/3, Bình Nhưỡng đã làm bùng nổ một cuộc khẩu chiến mới với Xơun. Trong chiến dịch vận động tranh cử cuối năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã nhiều lần lặp lại tuyên bố sẽ nỗ lực nối lại cuộc đối thoại với nước láng giếng phía Bắc.


Tuy nhiên, quan điểm này dường như đã thay đổi cơ bản dưới sức ép của dư luận Hàn Quốc và trước những lời đe dọa liên tiếp của Bình Nhưỡng. Bằng chứng là ngày 8/3, Xơun tuyên bố sẽ xử lý cứng rắn đối với những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, đồng thời cảnh báo Triều Tiên về sự “tự hủy diệt” nếu tấn công Hàn Quốc bằng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Xơun không chắc có thể phản ứng một cách nhanh chóng trước một tình huống giả định như vậy.


Quân đội Triều Tiên diễn tập quân sự gần thủ đô Bình Nhưỡng ngày 11/3. Ảnh: YONHAP -TTXVN


Hiện chính phủ của bà Park Geun-hye dường như rơi vào tình trạng vịt què. Giới chức an ninh quốc gia ở Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) không có sự ủy quyền hợp pháp để theo dõi tình hình vì phe đối lập vẫn tiếp tục phong tỏa các đề xuất cải tổ nội các của bà Park Geun-hye. Mặt khác, Bộ trưởng Quốc phòng mới cũng chưa chính thức nhậm chức. Rõ ràng Hàn Quốc đang tự đặt mình vào tình thế nhiều rủi ro khi để cho chính trường đất nước bị bao phủ vởi bầu không khí ngờ vực về đội ngũ lãnh đạo. Chính phủ liệu có thể ra quyết định nhanh chóng và chính xác trong trường hợp bị Triều Tiên khiêu khích hay không? Có lẽ là không.


Phép thử các mối quan hệ


Giữ vai trò là “chốt an toàn” duy trì nền hòa bình và sự ổn định cho bán đảo Triều Tiên hơn nửa thế kỷ qua, giờ đây Hiệp định đình chiến 60 năm tuổi có vẻ như đã mất tác dụng, cục diện bán đảo Triều Tiên vốn rất mong manh đang phải đối mặt với mối nguy hiểm mới. Tuy vậy, giống như những lần trước, bất chấp các đe dọa bên miệng hố chiến tranh, phần lớn các chuyên gia nhận định rằng khoảng cách tới một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên cũng gần như... từ Trái Đất tới Mặt Trăng.


Dù sao các tuyên bố của Bình Nhưỡng tấn công hạt nhân nước Mỹ sẽ tạo thêm lợi thế để Oasinhtơn mở rộng triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Á và mở rộng ra cả vành đai Tây Thái Bình Dương, điều mà cả Trung Quốc và Nga phản đối kịch liệt. Trung Quốc có thêm mối quan ngại rằng Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phát triển lực lượng vũ khí hạt nhân răn đe riêng của họ. Việc Nhật Bản và Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ gây phức tạp bàn cờ an ninh của Trung Quốc và là kịch bản tồi tệ đối với Đông Bắc Á.


Trên một phương diện khác, sự bế tắc của vấn đề hạt nhân Triều Tiên vào thời điểm này có thể thành chất xúc tác của ngoại giao nước lớn nhằm tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề xung đột khác ở Đông Bắc Á. Một mình Mỹ hay Trung Quốc sẽ không thể xử lý được, mà họ cần tập hợp các đồng minh.



Nguyệt Ánh

Hàn Quốc quyết bảo vệ an ninh quốc gia trước Triều Tiên
Hàn Quốc quyết bảo vệ an ninh quốc gia trước Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 13/3 tuyên bố bà sẽ cương quyết bảo vệ nền an ninh quốc gia trước lời đe dọa sẽ có hành động quân sự từ CHDCND Triều Tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN