Báo cáo mới nhất của EEA, dựa trên các số liệu sơ bộ từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), cho thấy khí thải gây hiệu ứng nhà kính năm 2021 tăng 5% so với năm 2020, chủ yếu do sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tổng mức thải khí vẫn thấp hơn 6% so với mức phát thải trước khi bùng phát dịch.
Phát biểu với báo giới, chuyên gia Melanie Sporer của EEA cảnh báo mục tiêu giảm 55% khí thải ròng vào năm 2030 mà EU đặt ra “sẽ khó đạt được với đà phát thải như hiện nay”. Bà Sporer cho biết từ nay đến năm 2030 châu Âu cần nỗ lực gấp đôi so với giai đoạn 1990-2020 thì mới đạt được các mục tiêu đặt ra.
Báo cáo của EEA cũng cho biết ngành năng lượng, vốn thải khí nhiều nhất, có nhiều nỗ lực giảm phát thải nhất. Lượng khí thải trong lĩnh vực này đã giảm 43% trong giai đoạn 2005-2020, trong khi ngành giao thông vận tải giảm được 15% và ngành nông nghiệp giảm được 2%.
Tuy nhiên, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng tiêu thụ ở châu Âu vẫn ổn định ở mức 22% sau nhiều năm được phát triển mạnh mẽ, gây quan ngại trong bối cảnh quá trình chuyển sang năng lượng xanh cần được đẩy nhanh hơn.
EEA cho biết phong điện và năng lượng hydro cần tăng nhanh chóng (2,5%/năm) để đạt mục tiêu 45% năng lượng tái tạo vào năm 2030.