Trước đó, công ty vận hành đường ống Ukraine (GTSOU) thông báo dừng vận chuyển khí đốt qua trạm trung chuyển Sokhranivka từ ngày 11/5. Hãng tin Interfax dẫn thông báo từ Gazprom cho biết lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu qua Ukraine ngày 12/5 ở mức 50,6 triệu m3, giảm so với 72 triệu m3 một ngày trước đó.
Tuyến đường ống qua Ukraine là tuyến trung chuyển khí đốt quan trọng từ Nga sang châu Âu. Tuyến đường ống này vẫn được duy trì kể cả sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2 vừa qua. Ngày 11/5, Đức ước tính lượng khí đốt chuyển qua Ukraine sang châu Âu giảm khoảng 25%. Những thông tin này càng làm dấy lên lo ngại giá khí đốt vốn đã cao tại châu Âu sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung giảm.
Liên quan vấn đề trên, ngày 12/5, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định việc thiếu nguồn cung dầu mỏ từ Nga sẽ không khiến nguồn cung toàn cầu bị khan hiếm trầm trọng trong ngắn hạn vì các nước sản xuất khác đang tăng sản lượng, trong khi nhu cầu từ Trung Quốc giảm do đại dịch COVID-19 hoành hành.
Trước đây, IEA đã cảnh báo xung đột tại Ukraine có thể gây ra cú sốc nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Trong nhận định ngày 12/5, IEA cho rằng việc EU và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga sẽ thúc đẩy quá trình định hướng lại dòng chảy thương mại và buộc Nga giảm sản lượng. Cho dù như vậy, việc một số nhà sản xuất khác bắt đầu tăng sản lượng, cùng với thực trạng nhu cầu giảm, đặc biệt là ở Trung Quốc, được cho là sẽ giúp thế giới tránh được giai đoạn khan hiếm nguồn cung trong ngắn hạn.
Theo IEA, sau khi giảm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 4, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu có thể giảm đến 3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2022. Mỹ và một số nước giàu có đã quyết định trích kho dự trữ khẩn cấp để giúp bình ổn giá dầu thế giới.
Giá dầu bắt đầu tăng kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2. Tuy nhiên, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc đã tạm thời khiến nhu cầu dầu mỏ của nền kinh tế thứ 2 thế giới giảm, giúp điều hòa ảnh hưởng từ tình trạng giảm nguồn cung. Bên cạnh đó, IEA cho rằng việc Mỹ và một số thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác, còn gọi là OPEC+, ở Trung Đông dần tăng sản lượng sẽ giúp bù đắp lượng dầu mỏ thiếu hụt do gián đoạn nguồn cung từ Nga.
Theo IEA, không tính Nga thì sản lượng dầu mỏ thế giới có thể tăng khoảng 3,1 triệu thùng/ngày từ tháng 5 đến hết tháng 12/2022. Ngược lại, tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới được dự báo giảm xuống mức 1,9 triệu thùng/ngày trong quý II/2022. Chỉ số này sẽ tăng trở lại từ tháng 4 đến tháng 8 khi tiêu thụ nhiên liệu cho hoạt động vận tải tăng trở lại trong mùa nghỉ Hè. Nhu cầu dầu mỏ năm 2022 được cho là sẽ lên mức 99,4 triệu thùng/ngày, cao hơn 1,8 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó.