Giới chức quận Myagdi, cách thủ đô Kathmandu 200 km về phía Tây Bắc, cho biết 9 người đã thiệt mạng và trên 30 người khác mất tích tại địa bàn này, trong khi nhiều ngôi nhà bị phá hủy. Con số thương vong dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được những khu vực xa xôi hẻo lánh.
Trong khi đó, quận Kaski và Jajarkot mỗi địa phương cũng ghi nhận 7 người thiệt mạng. Tại vùng đồng bằng phía Nam giáp giới Ấn Độ, mực nước sông Koshi, vốn thường gây lũ lụt nghiêm trọng ở bang Bihar gần như mỗi năm, đang dâng lên trên mức nguy hiểm.
Lở đất và lũ quét thường xảy ra ở Nepal trong giai đoạn từ tháng 6 tới tháng 9 mỗi năm.
* Trong khi đó, tại Nhật Bản, công tác dọn dẹp "bãi chiến trường" do mưa lớn kéo dài nhiều tuần tiếp tục được triển khai trong ngày 11/7 ở khu vực Kyushu, miền Tây Nam Nhật Bản.
Trận mưa lũ "lịch sử" đã tàn phá nặng nề nhiều khu vực ở Nhật Bản. Sau khi cơn lũ tạm đi qua, người dân đang nỗ lực dọn dẹp để ổn định lại cuộc sống. Tuy nhiên, mưa lớn không ngừng cũng đang phần nào gây cản trở công tác vệ sinh và dọn dẹp rác và bùn đất.
Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng khiến các chính quyền địa phương không huy động lực lượng tình nguyện viên tham gia công tác dọn dẹp mà chỉ khuyến khích sự hỗ trợ của cư dân trên địa bàn. Tới nay, thảm họa mưa lũ này đã cướp đi sinh mạng của 63 người, trong khi ít nhất 16 người vẫn đang mất tích.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) dự báo nhiều khả năng mưa lớn sẽ tiếp tục hoành hành ít nhất cho tới ngày 12/7 trên một khu vực rộng lớn. Cơ quan này kêu gọi "cảnh giác cao độ" trước nguy cơ lở đất và lũ lụt tại các vùng trũng thấp, đồng thời ban bố cảnh báo sơ tán ở mức cao thứ hai đối với trên 450.000 người.
Các đợt mưa xối xả xuất hiện tại khu vực Tây Nam Nhật Bản từ rạng sáng 4/7 vừa qua đã "xô đổ" kỷ lục về lượng mưa trong lịch sử nước này, khiến nhiều bờ kè sông hư hại nghiêm trọng và gây nhiều thiệt hại vật chất.
Theo Bộ Đất đai Nhật Bản, 92 con sông tại 10 tỉnh đã tràn bờ, trong khi có 251 trường hợp bị thiệt hại do lở đất, khoảng 1/5 trong số đó tập trung tại tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất Kumamoto. Tính đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã điều động ít nhất 80.000 nhân viên cứu hộ cùng 10.000 binh sĩ lực lượng phòng vệ tham gia công tác cứu hộ.