Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng Fox News vào ngày 29/4 tiết lộ Washington đang cân nhắc về mô hình Libya để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát bom nhiệt hạch trước vụ phóng thử ngày 3/9/2017. Ảnh: AP |
Ông John Bolton đưa ra phát biểu này sau khi Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra ngày 27/4 đã thống nhất về phi hạt nhân hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên. Dự kiến trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp gỡ trực tiếp với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mô hình mà ông Bolton nhắc tới là phương pháp từng được áp dụng để Libya từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của quốc gia này. Libya từng tìm cách phát triển chương trình vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh trước tình trạng mối quan hệ trở nên tồi tệ với Mỹ liên quan tới vụ đánh bom chuyến bay 103 của hãng hàng không Mỹ Pan Am tháng 12/1988. Các nhà điều tra Anh và Mỹ kết luận rằng hai công dân Libya là thủ phạm trong vụ đánh bom chiếc máy bay của Pan Am khiến 270 người thiệt mạng.
Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), trên thực tế, lệnh trừng phạt, việc bị cô lập cùng với mối đe dọa an ninh từ việc Mỹ đưa quân tới Iraq năm 2003 đã khiến cùng năm Libya tuyên bố sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân. Libya chủ động tuyên bố mà không cần được nhận ưu đãi nào từ Mỹ.
Trường hợp của Libya được coi là thành công bởi toàn bộ quá trình hoàn thành trong chưa đầy 2 năm bao gồm thanh tra, xác minh, phá hủy các cơ sở hạt nhân và chuyển những thành phần trong chương trình hạt nhân của Tripoli tới Mỹ.
Việc Cố vấn Anh ninh Quốc gia Bolton đề cập tới Libya dường như cho thấy ý chí của Mỹ để tránh việc bị kéo dài hoặc thất bại trong thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của quốc gia này.
Tuy nhiên, Yonhap đánh giá rằng diễn biến nhanh chóng tại Libya khó có khả năng áp dụng thành công tại Triều Tiên.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton. Ảnh: Reuters |
Hiện vẫn chưa rõ cách Triều Tiên phản ứng đối với quan điểm của ông Bolton. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng từng coi tiến trình phi hạt nhân hóa Libya là không thành công bởi sau đó là sự sụp đổ của chính quyền nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Vào đầu tháng 4, cựu đặc phái viên của Mỹ về vấn đề nhân quyền của Triều Tiên Robert King cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan trong năm 2011 đã thẳng thắn nói với ông rằng Bình Nhưỡng sẽ không đi theo hình mẫu của Libya.
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ông King đánh giá: “Có một điều rõ ràng là nếu Mỹ muốn đạt được bước tiến trong phi hạt nhân hóa Triều Tiên, Washington cần tránh đề cập tới Libya”.
Đây cũng là quan điểm được nhiều chuyên gia và quan chức chính phủ Mỹ đồng tình. Theo họ, không thể lặp lại trường hợp của Libya với Triều Tiên bởi hai quốc gia này có nhiều khác biệt trong chương trình hạt nhân.
Chương trình hạt nhân của Libya mới chỉ ở gai đoạn đầu, trong khi đó các chuyên gia đánh giá Triều Tiên đã đạt được nhiều bước tiến trong chương trình vũ khí hạt nhân. Chính Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Bolton từng xác nhận: “Có những khác biệt rõ ràng. Chương trình hạt nhân của Libya có quy mô nhỏ hơn”.