Liệu COVID-19 có khiến quan hệ Ấn-Trung thay đổi?

Trong thời gian gần đây, căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang vì vấn đề biên giới nhưng một số chuyên gia cho rằng dịch COVID-19 có thể đảo chiều tình hình này.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong một cuộc gặp. Ảnh: Reuters

Ấn Độ và Trung Quốc trong ngày 5/7 thống nhất rút quân khỏi biên giới. Tuy nhiên, cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ ngày 15/6 lại phát sinh tâm lý không ủng hộ Trung Quốc tại Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng di động của Trung Quốc, trong đó có cả TikTok. Ấn Độ cho rằng những ứng dụng di động này là mối đe dọa tới an ninh quốc gia. Bắc Kinh đã bày tỏ lo ngại về động thái này.

Cùng ngày 5/7, Ấn Độ vượt Nga trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới vì số trường hợp mắc COVID-19.

Về phía Trung Quốc, mặc dù tuyên bố đã kiểm soát được dịch COVID-19 nhưng trong tháng 6 tại Bắc Kinh xuất hiện ổ dịch ở khu chợ Tân Phát Địa. Ổ dịch khiến Bắc Kinh phải tiến hành xét nghiệm cho hơn 10 triệu dân và áp dụng lệnh phong tỏa một phần.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn lời ông Niu Haibin tại Viện nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải nhận định: “Tôi nghĩ cả Trung Quốc và Ấn Độ cần tìm những kênh khác không mang nhiều tính chính trị. Ngoại trưởng hai quốc gia này có thể đề nghị hợp tác y tế công cộng trên tinh thần nhân đạo”.

Ông Niu đánh giá các nhà ngoại giao Trung Quốc có thể dẫn mối quan hệ hai quốc gia theo hướng tích cực từ việc hỗ trợ Ấn Độ xử lý khó khăn trong đối phó với dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, ông Niu cho rằng hợp tác dài hạn về COVID-19 và những dịch bệnh khác có thể đưa ra thảo luận trong các diễn đàn đa phương, đơn cử như nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Ông Niu gợi ý: “Hợp tác BRICS về dịch bệnh, đặc biệt là khôi phục kinh tế, là cơ hội lớn bởi COVID-19 đã tác động tới tất cả các thành viên của nhóm”. Có tới 3 trong số 5 thành viên BRICS nằm trong nhóm 5 quốc gia có số trường hợp mắc COVID-19 cao nhất thế giới. Brazil đang đứng ở vị trí thứ hai, Ấn Độ là thứ ba và Nga đứng ở vị trí thứ tư.

Giáo sư Rajan Kumar tại Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) cũng cho rằng lòng tin của Ấn Độ đối với Nga và mối quan hệ tốt giữa nước này cùng Brazil và Nam Phi đồng nghĩa với việc BRICS có tiềm năng kéo New Delhi và Bắc Kinh xích lại gần nhau.

Theo ông Kumar, dư luận có thể gây sức ép khiến chính khách Ấn Độ từ chối sự giúp đỡ của Trung Quốc. Ngay cả trước khi xảy ra xích mích ở biên giới, Ấn Độ nhập khẩu khẩu trang, bộ xét nghiệm và thiết bị bảo hộ của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều bang tại Ấn Độ trong tháng 4 phản ánh rằng bộ xét nghiệm của hai công ty Trung Quốc là không đáng tin cậy.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng nhấn mạnh rằng nước này đã gia tăng tự sản xuất khẩu trang và thiết bị y tế.

Giáo sư Li Xing tại Đại học Aalborg ở Đan Mạch nhận định rằng COVID-19 có thể trở thành nguyên nhân gây chia rẽ thay vì đóng vai trò là giải pháp hàn gắn quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc. Ông Li Xing bình luận: “Một số đảng đối lập ở Ấn Độ thậm chí còn cho biết họ muốn kiện Trung Quốc giống như Mỹ”.

Nhưng ông Li Xing bổ sung rằng vaccine phòng COVID-19 có thể thay đổi mối quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc. Giáo sư này nêu quan điểm: “Một khi Trung Quốc phát triển thành công và sản xuất vaccine thì Ấn Độ có thể thay đổi mà muốn hợp tác”.

Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới chung dài 3.862km. Cả hai bên đều cáo buộc nhau từng xâm phạm lãnh thổ.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Ấn Độ đối đầu hai căng thẳng biên giới cùng lúc
Ấn Độ đối đầu hai căng thẳng biên giới cùng lúc

Trong nhiều thập niên, quân đội Ấn Độ đã thảo luận về chi tiêu quốc phòng và trọng tâm chính trị đối với vấn đề biên giới với Pakistan, Trung Quốc. Ở thời điểm hiện tại, hai vấn đề biên giới lại “nóng” cùng một thời điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN