Quan chức LHQ đã đưa ra thông báo trên sau khi cuộc hòa đàm về tình hình Yemen do LHQ bảo trợ vừa diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) trong các ngày 6-8/9 kết thúc mà không đạt kết quả mang tính bước ngoặt do lực lượng Houthi không cử đại diện tham dự.
Theo đánh giá của đặc phái viên Griffiths, sự vắng mặt của đại diện Houthi không có nghĩa tiến trình này rơi vào bế tắc. Dự kiến đặc phái viên Griffiths sẽ sớm gặp đại diện các bên liên quan là Chính phủ Yemen và Houthi.
Theo ông Griffiths, LHQ có thể bắt đầu công tác chuẩn bị cho vòng tham vấn tiếp theo giữa Chính phủ Yemen và Houthi bằng việc tập trung vào những biện pháp cụ thể để giải quyết cuộc xung đột tại Yemen. Ông tiết lộ thời điểm tổ chức vòng tham vấn tiếp theo sẽ được lên kế hoạch sau các cuộc đàm phán với phái đoàn Houthi ở Muscat.
Vòng đàm phán giữa Houthi và Chính phủ Yemen do LHQ làm trung gian, đã bắt đầu hôm 6/9. Tuy nhiên, đại diện của Houthi không tới tham gia vòng đàm phán này. Houthi cáo buộc liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu, hiện đang kiểm soát không phận Yemen, đã không cho phép họ khởi hành tới Geneva và trở về một cách an toàn.
Trong khi đó, trong tuyên bố ngày 8/9, Ngoại trưởng Yemen Khaled al-Yamani đã cáo buộc Houthi "tìm cách phá hoại các cuộc đàm phán khi đại diện của phong trào này không xuất hiện tại Geneva, đồng thời cho rằng đặc phái viên của LHQ chưa đủ kiên quyết với Houthi.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với các lực lượng trung thành với chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi.
Tháng 3/2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi được quốc tế công nhận, theo đó tiến hành hàng nghìn cuộc không kích nhằm vào các căn cứ của phiến quân Houthi.
Để đáp trả, Houthi đã tiến hành hàng trăm vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào các thành phố của Saudi Arabia, trong đó đa số bị lực lượng phòng không Saudi Arabia đánh chặn.
Chính phủ Yemen luôn kiên định lập trường lực lượng phiến quân Houthi phải rút hoàn toàn khỏi các vùng lãnh thổ mà lực lượng này chiếm giữ từ năm 2014. Tổng thống Mansour Hadi đã nhiều lần yêu cầu Houthi phải giao nộp vũ khí và rút khỏi các thành phố, đồng thời khẳng định rằng bất cứ cuộc đàm phán hay tiến trình chính trị nào cũng cần phải tuân thủ Nghị quyết 2216 của LHQ, theo đó Houthi phải hạ vũ khí đầu hàng và rút khỏi các khu vực chiếm đóng.