Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, mặc dù việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình đã được tiến hành sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 12/2018 tại CHDC Congo, nhưng tình trạng bạo lực, nhất là ở phía Đông nước này, vẫn tiếp diễn khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa và tìm kiếm chỗ ở mới, kể cả phải di cư sang các nước láng giềng. Phần lớn người dân nước này tới tị nạn tại Uganda, nước hiện đang có 400.000 người CHDC Congo lánh nạn. Một số khác tới các nước như Burundi, Rwanda, Tanzania, Zambia, Angola và CH Congo.
Hiện các nước tiếp nhận người tị nạn đang đối mặt với nhiều sức ép về tài chính vì nguồn lực có hạn nên không có đủ thức ăn, chỗ ở và các phương tiện thiết yếu để hỗ trợ người tị nạn, chưa kể nhiều lán trại tị nạn giờ đã quá tải.
Trong bối cảnh bạo lực vẫn tiếp diễn như vậy, miền Đông CHDC Congo lại phải đối mặt với dịch Ebola đã bùng phát từ hồi tháng 8/2018 khiến 2.260 người đã bị chết vì dịch. Tuy nhiên, tuần này tình hình đã có một số cải thiện và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo một người nhiễm virus Ebola đã khỏi bệnh và được xuất viện, đồng thời không có ca nhiễm mới nào kể từ ngày 17/2 đến nay. WHO có thể tuyên bố hết dịch nếu như không phát hiện thêm trường hợp nhiễm bệnh nào sau 42 ngày. Hiện WHO cần khoảng 83 triệu USD để tiếp tục dập dịch ở Congo từ nay đến hết tháng Sáu.
Ebola là bệnh do virus gây ra với các triệu chứng ban đầu như sốt đột ngột, đau cơ, đau họng. Sau đó người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, một số trường hợp có thể bị xuất huyết cả bên trong và bên ngoài. Virus lây qua tiếp xúc gần gũi với động vật nhiễm bệnh, sau đó lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc nội tạng của người nhiễm bệnh, hoặc lây gián tiếp qua môi trường ô nhiễm.