Theo báo cáo, bạo lực và bất bình đẳng giới tại nơi làm việc hay ở vai trò lãnh đạo chính trị không nhiều cải thiện so với 25 năm trước. Theo Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres, kể từ khi 189 nước thành viên của LHQ đưa ra cam kết về quyền của phụ nữ tại hội nghị ở Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1995, thành tựu duy nhất mà các nước đạt được trong lĩnh vực này là tiến bộ về giáo dục và giảm tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ, trong khi những tiến bộ về bình đẳng trong vai trò lãnh đạo và quyền của nữ giới lại hết sức mờ nhạt.
Báo cáo cho biết về cơ bản, trẻ em trai và gái bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở, và tỷ lệ nữ giới tiếp tục các bậc học cao có nhỉnh hơn so với nam giới. Tuy nhiên, chưa đến 50% số lao động nữ được trả lương, trong khi tỷ lệ lao động nam được trả lương hiện lên tới 75%. Sự chênh lệch này trong suốt 25 năm qua dường như không thay đổi. Tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động đặc biệt thấp, chưa đến 30% tại các nước Nam Á, Tây Á và Bắc Phi.
Bình đẳng giới trong các vị trí lãnh đạo chính trị cũng chuyển biến hết sức chậm chạp. So với năm 1995, đến nay thế giới mới chỉ có thêm 8 nhà nữ lãnh đạo quốc gia hoặc chính phủ, trong khi tỷ lệ phụ nữ tại các vị trí quản lý vẫn không khác so với năm 1995. Tỷ lệ phụ nữ độc thân trong độ tuổi 25 - 54 tuổi được tuyển dụng là 80%, nhưng tỷ lệ này giảm xuống còn chưa đến nửa nếu như họ kết hôn và có con.
TTK LHQ nhấn mạnh: "Chưa có quốc gia nào đạt được mục tiêu về bình đẳng giới và đại dịch COVID-19 đang đe dọa làm xói mòn những thành tựu vốn hết sức hạn chế mà thế giới đạt được trong lĩnh vực bình đẳng giới".
Báo cáo nêu rõ đại dịch COVID-19 đang làm nóng vấn đề bất bình đẳng tại nhiều nước. Số liệu thống kê tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy phụ nữ có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cao hơn nam giới, do có tới 70% nhân viên làm việc trong lĩnh vực y tế là nữ giới. Bên cạnh đó, đại dịch cũng hạn chế nữ giới tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và buộc họ phải dành nhiều thời gian chăm sóc con cái hơn khi chúng phải ở nhà học trực tuyến.
Báo cáo của LHQ dẫn số liệu thống kê tại 31 nước còn chỉ ra rằng có ít nhất 200 triệu phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang phải chịu đựng những tổn thương về tinh thần và thể chất từ hủ tục cắt âm vật (FGM). Hiện hủ tục cắt bỏ một số hoặc tất cả các bộ phận sinh dục bên ngoài của nữ giới này vẫn phổ biến và ở mức đáng báo động tại nhiều nước Bắc Phi, Đông Phi và Tây Phi.
Báo cáo Phụ nữ thế giới được thực hiện từ năm 1990, do Bộ phận thống kê thuộc Phòng Các vấn đề kinh tế và xã hội của LHQ biên soạn và phát hành 5 năm/lần, cung cấp dữ liệu mới nhất về tình trạng bình đẳng giới trên thế giới.