Phát biểu trong hội nghị trực tuyến với sự tham gia của các lãnh đạo của Canada, Costa Rica và Senegal, cùng các quan chức Liên hợp quốc, Tổng thống Estonia và cựu Thủ tướng New Zealand cho rằng cần phải gióng lên hồi chuông cảnh báo để bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh đại dịch.
Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark, cho rằng các quốc gia tham gia cuộc họp đều không muốn chứng kiến đại dịch làm suy yếu những tiến bộ đã đạt được trong lĩnh vực bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em và trẻ vị thành niên. Bà cho biết đã được nghe phản ánh về việc các chiến dịch tiêm chủng phải tạm ngừng hay thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản ở những quốc gia ở tuyến đầu chống dịch. Bà Clark cũng cho rằng lẽ ra tình hình có thể không tồi tệ đến vậy nếu hội đủ sự đoàn kết toàn cầu.
Liên hợp quốc ước tính đại dịch COVID-19 có thể là nguyên nhân dẫn tới khoảng 7 triệu ca mang thai ngoài ý muốn trong vòng 6 tháng tới do dịch bệnh khiến phụ nữ không thể tiếp cận các sản phẩm tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản như thời gian trước đây. Số trẻ em tử vong cũng có thể sẽ tăng lên tối đa 6.000 trẻ/ngày do các dịch vụ thường lệ theo dõi sức khỏe trẻ sơ sinh hay tiêm chủng bị gián đoạn trong thời điểm dịch bệnh.
Theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), nếu thực tế xảy ra như ước tính thì đây sẽ là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi gia tăng. Thuộc nhóm dễ tổn thương, phụ nữ, đặc biệt là những người ở các quốc gia nghèo khó, nhiều khả năng sẽ chịu tổn thất kinh tế lớn lao và giai đoạn phục hồi thu nhập cũng sẽ rất khó khăn.
Một số nhà lãnh đạo đề xuất các biện pháp can thiệp cấp cộng đồng là giải pháp tốt nhất. Ví dụ như chiến dịch phân phối thực phẩm và cập nhật thông tin về các nguồn lực y tế cho những phụ nữ làm việc ở các khu chợ của Senegal. Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid kêu gọi các quốc gia tìm kiếm những giải pháp mang tính đột phá.
Nhà lãnh đạo Estonia cho rằng những công cụ truyền thống hiện không còn phù hợp vì vậy cần phải có những cách làm khác, bám sâu hơn vào gốc rễ vấn đề. Bà cho rằng nếu như đại dịch lần này có thể nhìn nhận theo hướng tích cực thì đó là trong dịch bệnh thế giới đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của lợi ích cộng đồng toàn cầu và hỗ trợ cho những nhóm yếu thế nhất trong xã hội, cho trẻ em, trẻ vị thành niên và phụ nữ.