Chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới

Chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) là Hội thảo do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức tại Hà Nội chiều 8/8.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cùng đại diện một số bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan; đại diện các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế, cơ quan Liên hợp quốc đang làm trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới về số năm khỏe mạnh sau tuổi 60 đối với 183 quốc gia, Việt Nam hiện xếp thứ 41. Đối với 46 quốc gia châu Á, Việt Nam đứng thứ 5 sau Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Israel. Vì vậy, việc điều chỉnh tuổi phụ nữ tăng thêm 5 tuổi và nam thêm 2 tuổi là hoàn toàn khả thi.

Dẫn thông tin khoảng cách chênh lệch tuổi giữa lao động nam và lao động nữ trên thế giới đang ngày càng thu hẹp dần, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Trường Giang khẳng định: Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần chủ động ứng phó với vấn đề thiếu hụt lao động trong tương lai không xa, đồng thời đảm bảo tính bền vững về mặt xã hội và tài chính của hệ thống an sinh xã hội. Đây cũng là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới và thể hiện sự bình đẳng về giới giữa lao động nam và lao động nữ.

Theo báo cáo an sinh xã hội thế giới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khảo sát mới đây tại 176 quốc gia, giai đoạn 2010 – 2011 có 31,3% quốc gia trong số này có tuổi nghỉ hưu chênh nhau giữa lao động nam và lao động nữ là 5 tuổi. Nhưng đến giai đoạn năm 2017 – 2019 đã thu hẹp lại, chỉ còn 23,3% quốc gia có độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ chênh nhau 5 tuổi.

Giai đoạn 2010 – 2011, có 60,8% trong số 176 quốc gia trên thế giới quy định tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ bằng nhau thì đến giai đoạn 2017 – 2019 đã tăng lên là 68,4%. Hiện nay, ngày càng nhiều quốc gia thu hẹp khoảng cách quy định độ tuổi nghỉ hưu chênh lệch nam hơn nữ từ 1 tuổi đến 5 tuổi so với giai đoạn 2010 – 2011.

“Hiện nay bình quân cứ 6 người bước vào độ tuổi lao động thì có một người bước ra khỏi độ tuổi lao động. Nhưng chỉ 20 năm nữa thôi sẽ chỉ còn có 2 người bước vào tuổi lao động và sẽ có 1 người bước ra khỏi tuổi lao động. Điều đó có nghĩa là, nếu giữ nguyên lương hưu như hiện nay thì con cháu chúng ta sẽ phải đóng góp gấp 3 hiện nay. Cách thứ hai là chúng ta phải điều chỉnh giảm dần thì đỡ gánh nặng lên con cháu và điều chỉnh giảm dần ở đây chính là điều chỉnh tuổi hưu để thời gian đóng góp nhiều hơn, thời gian hưởng ngắn hơn. Như vậy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ có tác động rất lớn trong việc chia sẻ gánh nặng cho thế hệ tương lai”, ông Phạm Trường Giang nhấn mạnh.

Chia sẻ ý kiến về Bộ luật Lao động (sửa đổi), bà Đàm Vân Thoa, Phó trưởng Ban Chính sách – Luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng: Nhiều quy định trong Bộ luật đã được thay đổi theo cách tiếp cận mới hướng tới thúc đẩy sự bình đẳng giới thực chất; loại bỏ những quy định tạo ra rào cản việc làm đối với lao động nữ; bổ sung các quy định về quyền, trách nhiệm cho lao động nam để vừa đảm bảo quyền lợi của lao động nam vừa thúc đẩy việc chia sẻ công việc gia đình giữa lao động nam và nữ; góp phần thay đổi nhận thức xã hội về vai trò, vị trí của lao động nam và nữ.

Tuy nhiên, theo bà Đàm Vân Thoa, một số nội dung đã được đề cập đến trong báo cáo lồng ghép về bình đẳng giới cần phải được thể chế hoá trong luật và nghị định hướng dẫn như: tổ chức đại diện cho lao động nữ, tỷ lệ nam/nữ trong việc biểu quyết phê chuẩn thỏa ước lao động tập thể…

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo, thúc đẩy bình đẳng giới tiếp tục kế thừa các quy định phù hợp hiện hành đang phát huy hiệu lực trong Bộ luật Lao động năm 2012. Trong đó, tiếp tục khẳng định chính sách và các biện pháp của Nhà nước Việt Nam bảo vệ lao động nữ, bảo vệ bà mẹ nhưng chuyển từ cách tiếp cận bảo vệ thông qua các quy định hạn chế quyền của phụ nữ hoặc các quy định có thể dẫn đến phân biệt đối xử trên thực tế sang cách tiếp cận bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới thực chất phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật Bình đẳng giới và các công ước liên quan đến tổ chức lao động quốc tế (ILO). Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định đối với lao động nữ, đảm bảo thúc đẩy bình đẳng giới.

Đặc biệt, dự thảo luật lần này có nhiều vấn đề mới liên quan đến chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới; trong đó, thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Bình đẳng giới góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cuộc sống
Bình đẳng giới góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cuộc sống

Tối 6/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam (Tổ chức nhân đạo quốc tế chống đói nghèo toàn cầu và bất công xã hội), sáng kiến đầu tư cho phụ nữ đã tổ chức diễn đàn về "Bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN