Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, trong khảo sát Kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe 2019, Thư ký điều hành CEPAL, Alicia Barcena, nêu rõ hoạt động kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu yếu kém, nền kinh tế dễ biến động lớn và tài chính không đảm bảo, sự hoài nghi đối với hệ thống đa phương và căng thẳng địa chính trị gia tăng là những lý do khiến dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực này có xu hướng giảm.
Báo cáo dự báo với tình hình thế giới không thuận lợi như hiện nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực Mỹ Latinh và Caribe ở khoảng 0,5% trong năm nay - thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 1,3% đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Năm ngoái, các nước khu vực này đạt mức tăng trưởng trung bình 0,9%. Ngoài ra, tăng trưởng nội khối thấp là do thiếu động lực trong đầu tư và xuất khẩu cũng như giảm chi tiêu công và tiêu dùng cá nhân. Bà Barcena nêu rõ kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã trải qua 5 năm kinh tế tụt dốc và điều này là rất đáng lo ngại.
Khảo sát kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe 2019 cũng cho thấy không gian tài chính hạn chế do mức thu nhập không đủ để trang trải chi tiêu, dần chuyển thành thâm hụt ngân sách và tăng các khoản nợ trong những năm gần đây. Hơn nữa, biến động ngoại hối ngày càng tăng và khấu hao lớn hơn sẽ hạn chế các ngân hàng trung ương trong khu vực tăng cường các chính sách để kích thích tổng cầu.
So với các năm trước, tăng trưởng kinh tế chậm lại trong năm 2019 sẽ ảnh hưởng đến 21 trong số 33 quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Tốc độ tăng trưởng bình quân năm 2019 của các nước Nam Mỹ được dự báo là thấp nhất, ở mức 0,2%, Trung Mỹ 2,9% và Caribe là 2,1%.
Theo báo cáo của CEPAL, một số nền kinh tế lớn của Nam Mỹ được dự báo có mức độ tăng trưởng năng động như Peru (3,2%), Colombia (3,1%) và Chile (2,8%). Trong khi đó, Brazil - nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh - lai chậm lại với mức tăng trưởng yếu là 0,8%. Kinh tế Mexico cũng không có dấu hiệu khả quan trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ, nước láng giềng phương Bắc, với tốc độ tăng trưởng vừa phải ở mức 1%.