Người di cư trên hành trình vượt biển Aegean tới đảo Lesbos của Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric nêu rõ việc các quốc gia cảm thấy cần phải hành động để bảo vệ người dân trong nước trước mọi hình thức khủng bố là "có thể hiểu được". Tuy nhiên, lựa chọn phương án "quay lưng" lại với những người tị nạn đang chạy trốn khỏi bạo lực và trong tình trạng dễ bị thương tổn không phải là cách làm đúng đắn. Ông Dujarric khẳng định phản ứng trước làn sóng người di cư nên là những hành động cảm thông và chia sẻ.
Tổng Thư ký (TTK) LHQ Ban Ki-moon đã nhiều lần lên tiếng rằng đóng cửa biên giới không phải là lời giải cho cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai mà châu Âu hiện đang phải đối mặt. Tuy nhiên, chính phủ các nước châu Âu, Canada và Mỹ đều đang phải đương đầu với phong trào kêu gọi ngừng tiếp nhận người di cư sau khi các điều tra viên của Pháp đưa ra thông tin về khả năng một trong số những kẻ tấn công trong vụ khủng bố Paris là một người Syria đã vào châu Âu theo con đường tị nạn. Mặt trận Quốc gia chống di cư của Pháp đã hối thúc "ngừng ngay lập tức" việc tiếp nhận người tị nạn trong khi Phong trào bài ngoại PEGIDA của Đức lên án chính sách nhập cư của châu Âu là một thất bại.
Cơ quan điều tra Pháp đã tìm thấy một tấm hộ chiếu Syria gần một thi thể ở hiện trường vụ tấn công tại sân vận động Stade de France với tên đăng ký Ahmad al Mohammad. Hiện cơ quan điều tra chưa xác định liệu al Mohammad có phải là một trong ba tên khủng bố đã đánh bom tự sát tại sân vận động Paris ngày 13/11 hay không.
Theo số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), 52% số người tị nạn đến châu Âu qua đường biển là người Syria, theo sau đó là người Afghanistan với 19% và người Iraq 9%.
Pháp cân nhắc quản thúc tại gia công dân trở về từ SyriaMột nguồn tin Chính phủ Pháp ngày 16/11 cho hay những công dân nước này trở về từ Syria có thể sẽ bị "quản thúc tại gia" và chịu sự giám sát nghiêm ngặt.
Theo nguồn tin, Văn phòng Tổng thống Pháp đang cân nhắc khả năng trên sau khi xảy ra một loạt vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris hôm 13/11 khiến 130 người thiệt mạng.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Anh David Cameron cùng ngày tuyên bố các cơ quan an ninh của nước này đã đập tan khoảng 7 âm mưu tấn ông khủng bố trong năm qua. Ông đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải nỗ lực hơn để đảm bảo các cơ quan của Anh có những nguồn lực và thông tin cần thiết để ngăn chặn và đập tan các âm mưu chống lại đất nước”.