LHQ cảnh báo "tình trạng treo" đối với người di cư ở châu Âu

Người di cư vượt biển đến châu Âu có thể rơi vào "tình trạng treo" một khi các nước này áp dụng những chính sách khác nhau trong khủng hoảng di cư hiện nay.


Đó là lời cảnh báo của Liên hợp quốc (LHQ) trong bối cảnh các nước trong Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang bất đồng sâu sắc về hướng giải quyết cuộc khủng hoảng.

Theo đánh giá của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới, khi các nước tiến hành các thực thi các giải pháp khác nhau, riêng rẽ, có thể tạo nên tình huống người di cư đổ xô đến châu Âu để mong có được một sự bảo vệ theo quy định của luật pháp quốc tế, nhưng lại rơi vào "tình trạng treo", không rõ ràng.

Tuần hành ủng hộ người di cư tại, Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: AFP/TTXVN


Những tuyên bố về các biện pháp kiểm soát biên giới khác nhau mà các nước châu Âu đưa ra trong ngày 14/9 đã nêu bật sự cấp thiết phải sớm có được một chương trình ứng phó toàn diện trên toàn châu lục, như xây dựng các trung tâm tiếp nhận người di cư được tất cả các bên liên quan, kể cả Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), ủng hộ, nhằm đăng ký và sàng lọc dòng người đang đổ về Hy Lạp, Italy và Hungary.

LHQ nhấn mạnh những người cần được bảo vệ theo luật pháp quốc tế phải được tái định cư tại các nước EU dựa trên cơ chế phân chia hạn ngạch công bằng.

LHQ đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ của EU nhóm họp bất thường tại thủ đô Brussels (Bỉ) nhằm thảo luận kế hoạch phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư vốn đang gây chia rẽ sâu sắc trong liên minh. Một loạt các nước Đông Âu gồm Séc, Ba Lan, Hungary, và Slovakia phản đối chủ trương phân bổ bắt buộc hạn ngạch người di cư ở các nước thành viên EU. Một số nước như Đức, Áo, Ba Lan, Bỉ hiện đã hoặc đang xem xét thiết lập cơ chế kiểm soát biên giới trước dòng người di cư quá đông. Trước đó, cùng ngày, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền (UNHRC) Zeid Ra'ad al Hussein đã hối thúc châu Âu mở rộng cửa đón người tị nạn thông qua các chính sách toàn diện.

Theo số liệu của Tổ chức Di cư thế giới (IOM), kể từ đầu năm, hơn 350.000 người đã bất chấp nguy hiểm vượt biển Địa Trung Hải để tìm đường tới châu Âu, khoảng 3.000 người trong số đó đã thiệt mạng.

TTXVN/Tin Tức
Áo triển khai quân đội đối phó làn sóng di cư
Áo triển khai quân đội đối phó làn sóng di cư

Sau Đức, Áo cũng đang tăng cường kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn bằng cách sẽ triển khai khoảng 2.200 binh sỹ tại biên giới nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN